Một Thành Đông anh hùng, lịch sử
Năm 1804 (năm Gia Long thứ 3), sau khi nghe trấn thủ Hải Dương là Trần Công Hiến tấu trình, nhà Nguyễn đã rời tỉnh lỵ Hải Dương từ Mao Điền về ngã ba sông Hàm Giang (Thái Bình) và Kẻ Sặt tại địa phận làng Hàn (nay là phương Bình Hàn) với mục tiêu án ngữ vùng biên ải phía Đông thành Thăng Long, sau đó xây dựng thành kiên cố gọi là Thành Đông.
Trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử khiến nhân dân ta trong cảnh nước mất, nhà tan; cuộc sống vô cùng lầm than, khổ cực. Song các phong trào đấu tranh yêu nước ở Hải Dương vẫn liên tiếp nổ ra để chống lại sự cai trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Từ năm 1976 đến 1986, thị xã Hải Dương từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy vai trò quản lý của nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đã không ngừng phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dịch vụ, lao động theo hướng hiện đại.
Ngày 06/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/1997/NĐ-CP công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại III. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đánh dấu mốc son quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển đô thị Hải Dương, là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân đã cống hiến trí tuệ, mồ hôi và công sức đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH- HĐH đất nước. Năm 1998, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Hải Dương vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân TP Hải Dương đã vượt qua khó khăn thử thách có bước tiến vững chắc trên con đường đổi mới quê hương, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong thời kỳ hội nhập. Ngày 28/8/2006 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ra Nghị quyết về nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại II.
Hình ảnh TP Hải Dương hiện đại, phát triển |
Hướng tới mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại II, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố đã tập trung cao độ khai thác mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị.
Ghi nhận sự phấn đấu không ngừng cùng với những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân thành phố, ngày 15/5/2009 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hải Dương.
Ngày 30/10/2009, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương long trọng tổ chức kỷ niệm 205 năm khởi lập Thành Đông, 55 năm ngày giải phóng thành phố và công bố Quyết định 616/QĐ-TTg ngày 15/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại II. Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng, bất khuất, kiên cường của mảnh đất và con người Thành Đông đặc biệt là sau 55 năm giải phóng.
Xây dựng thành phố phát triển hiện đại, bền vững
Với quy mô và tầm vóc của TP. Hải Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ và là thủ phủ của tỉnh Hải Dương; có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Là cầu nối quan trọng giữa Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh ra cảng biển và đất liền. Đầu mối giao thông giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; đồng thời là đầu mối trung chuyển trọng yếu về giao thông đường thủy trong vùng đồng bằng Bắc bộ. Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố khóa XXI đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong 5 năm 2010 – 2015 nhằm tạo tiền đề xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I.
Ngày 12/11/2012 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ra Nghị quyết 09-NQ/TU về việc nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại I. Từ đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, TP. Hải Dương đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tốt công tác quy hoạch, tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Trong 3 năm gần đây, mức tăng trưởng kinh tế của TP. Hải Dương đạt trung bình 13,6%/năm, thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thành phố hiện có 3 khu công nghiệp là Đại An, Nam Sách, Kỹ thuật cao An phát và 6 cụm công nghiệp gồm Cẩm Thượng, Tây Ngô Quyền, Việt Hòa, Ba Hàng, Ngọc Sơn, Thạch Khôi – Gia Xuyên với tỷ lệ lấp đầy khá cao. Ngoài ra, thành phố còn có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, có 76 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các loại hình dịch vụ, thương mại, ngân hàng, viễn thông… phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân.
Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua không gian đô thị TP. Hải Dương ngày càng mở rộng. Sau khi sáp nhập thêm 5 xã Ngọc Sơn, Tiền Tiến, Quyết Thắng, Gia Xuyên và Liên Hồng, nhập 2 xã Thượng Đạt và An Châu thành xã An Thượng, thành lập mới 2 phường Nam Đồng và Tân Hưng, TP. Hải Dương có 25 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 19 phường và 6 xã với tổng diện tích đất tự nhiên 111,64 km2 , dân số 508.190 người. Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, giúp kết nối thuận lợi Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế vùng trong cả nước…
Ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 580/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương. Đây là kết quả phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và là niềm tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thành phố.
Với khát vọng xây dựng thành phố phát triển theo hướng đô thị xanh, hiện đại - đô thị khỏe, an toàn, trật tự và bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hải Dương cùng đoàn kết một lòng, chung tay đóng góp dựng xây Thành Đông trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư của các doanh nghiệp trên toàn quốc; là thành phố phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, đáp ứng vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương.