Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết trong tác phẩm Dân vận, những thành công của các mạng Việt Nam là do Đảng và Nhà nước thực hiện dân vận khéo mà đạt được. Đảng và Nhà nước ta đã biết vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không thể sót một người dân nào, gộp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, muốn công tác dân vận thành công thì Đảng và Nhà nước phải thật sự yêu dân, kính dân, thương dân và hiểu dân, phải biết vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân. Bác cho rằng, Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị thấm nhuần lý tưởng chính trị vì dân thì công tác dân vận mới thật sự có hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phân tích, tư tưởng lớn bao trùm và xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân… mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Theo nghĩa đó, quyền của nhân dân là cao nhất, theo đúng nguyên tắc hiến định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận và dân vận chính quyền nói riêng, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng và triển khai thật tốt các nội dung của công tác dân vận chính quyền.
Chính phủ đã thể chế hoá kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng quyền, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nhất là các chính sách đối với từng đối tượng cụ thể (công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài).
Tại Tọa đàm, các tham luận đã tập trung làm rõ ý nghĩa, giá trị tác phẩm Dân vận. Các ý kiến cho rằng đó là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Các đại biểu cũng đã cùng nhau chia sẻ, phân tích một số vấn đề như “dân vận khéo” trong hoạt động công vụ ở nước ta; quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong tình hình mới… để ôn lại, quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân, làm nên những thành công to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 15/10/1949, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng trên báo Sự thật với bút danh XYZ. Tác phẩm Dân vận của Bác là Cương lĩnh dân vận của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Tác phẩm hàm chứa những giá trị căn cốt về dân vận; trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bản chất của nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Cũng từ đó, ngày 15/10 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành dân vận, của công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận của chính quyền và công tác dân vận của các tổ chức chính trị, xã hội.