Trung tâm xuất nhập khẩu đầu tư xây dựng và lao động Thăng Long –Thanglongmex (thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long) bị “tố” lừa dối trong hợp đồng xuất khẩu lao động.
Uống nước sông
Qua thông báo tuyển dụng, năm 2008, ông Nguyễn Viết Hòa (khối 4, phường Lê Lợi, TP. Vinh, Nghệ An) đã đến văn phòng đại diện của Thanglongmex tại Nghệ An làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Mỹ. Theo đó, lệ phí mà ông hòa được đơn vị tuyển dụng thông báo là 8.000 USD. Phiếu thu ngày 5/11/2008 thể hiện, Thanglongmex đã thu trước của ông Hòa 2.000 USD, và ra thông báo “sau hai tháng sẽ bay”. Quá thời hạn, ông Hòa nhận được tin là “đơn hàng” đi Mỹ bị hủy bỏ. Nhằm “đối ứng” cho thương vụ vỡ lở này, Thanglongmex đề xuất ông Hòa sẽ sang Nga làm việc, với điều kiện đóng thêm 1.200 USD.
Tháng 6/2009 ông ký với Thanglongmex hợp đồng “đi làm việc có thời hạn tại Liên bang Nga. Để thực hiện việc xuất ngoại, ông Hòa đã đóng tổng cộng 3.200 USD cho trung tâm này. Công việc chính của ông Hòa theo hợp đồng lao động là “trồng trọt và chế biến hoa quả”.
Tuy nhiên, theo lời kể của người lao động, thực tế lại hoàn toàn khác biệt so với những gì được Thanglongmex cam kết.
“Khi sang đến sân bay, chúng tôi bị một người Nga và một người Việt Nam chở đến nơi rất xa, hẻo lánh”, ông Hòa tường trình. Tại đó, ông Hòa bị canh giữ nghiêm ngặt. Công việc đầu tiên là đi chặt cây, tìm giấy dầu… làm lán để ở. “Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, ngày làm 14 tiếng, có ngày kéo dài đến 18 tiếng”, ông Hòa cho hay. Cũng theo ông Hòa, họ phải múc nước sông để sinh hoạt, ăn chưa xong thì bị bắt đi làm, đêm không thể ngủ nổi vì trời quá lạnh. Ở đây thường xuyên phải chạy trốn công an, nhiều đêm phải ngủ trong rừng sâu, lạnh buốt…
Mặc dù hợp đồng của Thanglongmex cam kết ông Hòa được “hưởng lương theo sản phẩm 350 USD/tháng, cung cấp miễn phí nơi ăn ở, được nhận tiền làm thêm giờ…”, nhưng phản ánh của người lao động cho thấy, họ đã làm việc không công, hoàn toàn không được thanh toán tiền công như hợp đồng đã ký.
Đánh đập?
Thấy công việc quá nặng nhọc, vi phạm cam kết như hợp đồng thể hiện, sau 3 tháng làm việc, ông Hòa đề nghị trả hộ chiếu và giấy tờ khác, nhưng nguyện vọng này không được đáp ứng và bị phía sử dụng lao động “đe dọa đánh đập nếu lao động bỏ trốn”.
Tranh thủ lúc sơ hở, ông Hòa và nhóm lao động của mình trốn khỏi rừng, tìm đến một người đồng hương để nhờ giúp đỡ. Thông qua người này, sau một tháng thì ông Hòa cũng đã được đơn vị sử dụng lao động “thanh toán” 5000 rúp (tương đương 200 USD).
Để trở về nước, ông Hòa phải gọi điện về Việt Nam, báo với gia đình gửi tiền vé máy bay và các chi phí khác để thanh toán cho người đồng hương này.
Về đến Việt Nam, công việc đầu tiên mà ông Hòa thực hiện là đến trụ sở Thanglongmex đòi lại tiền đã đóng và các khoản bồi hoàn khác. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị phía đơn vị cung ứng lao động phớt lờ.
Ông Hòa cho biết “đây là số tiền cả nhà tôi đi vay mượn, nay phía Thanglongmex phải trả lại sự công bằng và tiền lệ phí mà tôi đã đóng”.
Như Trang