Hội thảo “1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với những sự kiện chính trị – pháp lý trọng đại của đất nước” được Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) long trọng tổ chức hôm qua (16/8).
Cũng phân tích giá trị của Bộ luật Hồng Đức, TS.Trần Văn Luyện (Bộ Công an) nhận thấy, vấn đề cơ bản nhất trong nghiên cứu luật cổ là phải làm rõ được cái “tinh thần pháp luật cổ” – đó là tư duy pháp luật, cách thức điều chỉnh pháp luật của cha ông, bởi đó là giá trị và ý nghĩa của luật cổ đối với cuộc sống hôm nay.
Việc kế thừa những kinh nghiệm quý về xây dựng luật của cha ông, cụ thể là Bộ luật Hồng Đức, cũng chính là phản ánh tính đậm đà bản sắc dân tộc về khía cạnh pháp lý, nhằm giúp Việt Nam có hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để chúng ta hội nhập thành công và phát triển đất nước lên tầm cao mới. Đó là một biểu hiện rất cụ thể của vai trò pháp luật trong sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội 1.000 qua.
Tự hào với Thăng Long văn hiến, GS.TSKH.Phan Đăng Nhật (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phân tích sâu sắc về xuất xứ tên gọi “Thăng Long” và những nét đặc sắc của biểu tượng “Rồng Thăng Long”. Đối với GS.Nhật, “vào dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, cần nhận thức lại đầy đủ sự sâu xa của biểu tượng, một di sản quí của tổ tiên gửi lại”. Ông nhận thấy, dù ở Việt Nam có “tứ linh” (Long, Ly, Qui, Phượng) nhưng theo quan niệm dân gian, “rồng” (Long) là biểu tượng của sự hưng thịnh, phồn vinh, vui vẻ, là sự âm phù cứu nguy, đem lại chiến thắng, biểu tượng của mưa, là sự báo hiệu được mùa. Đặc biệt “Thăng Long” là rồng bay lên, là biểu tượng của sự phát triển mạnh mẽ của đất nước thời phục hưng.
Định đô ở Thăng Long, Vương triều Lý không chỉ là triều đại mở đầu cho sự nghiệp phục hưng văn hóa dân tộc mà còn đưa ra nhiều chính sách trị quốc an dân có giá trị đến nay. Nghiên cứu vấn đề này, PGS.TS.Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam) nhận thấy, “những tư tưởng, chính sách trị quốc, an dân của các vua nhà Lý mang đậm tính chất nhân ái, vị tha là chịu ảnh hưởng của lòng từ bi, bác ái của Đạo Phật, kết hợp với tinh thần “thương người như thể thương thân” truyền thống của dân tộc Việt Nam”.
Nhưng LS.Lê Thúc Anh (Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) “chạnh lòng” khi chưa có những sự kiện làm cơ sở để vua Lý Công Uẩn lựa chọn Thăng Long làm “kinh đô muôn đời”. Theo LS.Thúc Anh, “xem xét các sự kiện trước khi vua Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, tuy ngắn ngủi so với suốt tiến trình lịch sử, nhưng lại góp phần đánh giá lịch sử toàn diện hơn”.
Những kinh nghiệm này là bài học quí giá cho việc hoạch định những chính sách phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước. Quan trọng hơn, từ những nhận thức này, các thế hệ tiếp nối sẽ làm tốt hơn những gì đã và đang làm để cùng nhau góp phần tạo nên những sự kiện chính trị – pháp lý trọng đại khác của Thăng Long – Hà Nội cho hậu thế của những thiên niên kỷ sau.
Hương Giang – HoàngThư