Năm 2023, chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Để chuẩn bị cho Tháng hành động vì trẻ em, ngay từ tháng 3/2023, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 1084/LĐTBXH-TE và Công văn số 1088/LĐTBXH-TE gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh hướng dẫn tổ chức Tháng hành động, hướng tới các mục tiêu lớn như xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em…
Ở góc độ của ngành Y tế, từ năm 1996, ngày 1-2/6 hàng năm cũng được chọn là Ngày vi chất dinh dưỡng với chuỗi các hoạt động mang tính huy động xã hội rộng lớn, nhằm thay đổi nhận thức và thực hành của mỗi gia đình, cộng đồng về tầm quan trọng và cách phòng, chống các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em.
Đến nay, Ngày vi chất dinh dưỡng đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần nâng cao sức khoẻ cho trẻ nhỏ. Trong suốt những năm qua, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 54 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6; và đợt 2 vào tháng 12). Trong các chiến dịch này, trẻ em trong độ tuổi được cho uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao. Nhờ các chiến dịch bổ sung vitamin A kịp thời đã giúp Việt Nam thanh toán được bệnh mù loà do thiếu Vitamin A vào năm 2000, đó là một thành tựu hết sức to lớn.
Năm 2023, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em bắt đầu từ ngày Quốc tế Thiếu nhi - 1/6. Chiến dịch được tổ chức trên toàn quốc, trong đó tại 22 tỉnh miền núi khó khăn mỗi trẻ từ 6 - 59 tháng được uống 1 liều Vitamin A, trẻ từ 24 - 59 tháng được tẩy giun định kỳ; tại 41 tỉnh, thành phố còn lại trẻ em từ 6 - 35 tháng tuổi được uống 1 liều Vitamin A. Nguồn thuốc sử dụng trong chiến dịch do tổ chức Vitamin Angel - Hoa Kỳ viện trợ. Ngày 27/05/2023, Bộ Y tế đã có Công văn số 3232/BYT-BMTE gửi các địa phương tổ chức chiến dịch hướng dẫn cho các tỉnh/thành phố để tiến hành tổ chức chiến dịch cho trẻ uống viên nang Vitamin A kết hợp với tẩy giun định kỳ đợt 1 năm 2023.
Việc bổ sung vitamin A liều cao trong Ngày vi chất dinh dưỡng không chỉ giúp phòng ngừa thiếu vitamin A gây ra các bệnh về mắt ở trẻ mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ nhỏ cũng như cải thiện nhanh chóng tình trạng vitamin A của bà mẹ sau sinh. Và hơn hết là đẩy mạnh hơn hoạt động phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng trong cộng đồng.
Hiện nay, theo thống kê được công bố tại Hội nghị tập huấn triển khai Tháng hàng động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổ chức ChildFund Việt Nam tổ chức, tình trạng bạo lực đối với trẻ em năm 2022 gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình. Trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực trong trường học đã tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái. Thông qua thống kê các vụ việc cơ quan Công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so năm 2022, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp.
Để bảo vệ trẻ trước thực trạng này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, trách nhiệm trước hết phải thuộc về gia đình, của cha mẹ và người chăm sóc trẻ em. “Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho con em mình bằng chính cha mẹ. Người chăm sóc trực tiếp trẻ em không làm thì không ai bảo vệ trẻ em tốt hơn”, theo ông Nam.
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, Tháng hàng động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Thực hiện tốt Tháng hành động vì trẻ em nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt.