Dân gian cho rằng, con người bao gồm hai phần là phần hồn và phần xác. Khi chết đi, phần hồn vẫn còn tồn tại, người nào khi sống ăn ở hiền lương, tích đức thì được đầu thai thành kiếp khác, ngược lại người nào tạo nên nhiều nghiệp (làm việc ác) thì bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói và chịu nhiều hình thức tra tấn dã man.
Câu chuyện được truyền nhiều đời từ mùng 2/7 âm lịch hàng năm, Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng (cô hồn), thường là trở về tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát. Đến sau 12h ngày 14/7 thì các ma quỷ phải quay trở về địa ngục.
Như vậy, tương ứng với quan niệm dân gian, "tháng cô hồn" năm nay, 2018, bắt đầu từ ngày 2/7 đến hết tháng 7 âm lịch hàng năm (tức ngày 12/8 đến hết 9/9 dương lịch).
Tháng này, người Việt thường sắm cỗ cúng “cô hồn”, là dịp “Địa quan xá tội” hay “Xá tội vong nhân”, giúp những linh hồn lạc lối, không nơi nương tựa có một ngày được tưởng nhớ, no đủ. . Người dân thường cúng cô hồn vào ngày mùng 2, 15, 16/7, một số nơi cúng sớm hơn hoặc trễ hơn nhưng đều cúng vào buổi chiều tối.
Phật giáo cũng có 2 truyền thuyết kể về sự tích "tháng cô hồn". Theo đó, Đức Phật với lượng cả từ bi, ngài cho phép ma quỷ/ Ngạ quỷ trở lại dương gian mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng 7.
Ngày này, các chùa và Phật tử sẽ làm cỗ cúng quỷ đói và đọc kinh, đọc bài chú Đức Phật truyền cho với mong muốn quỷ/Ngạ quỷ được đầu thai kiếp khác làm người.
Cũng trong tháng 7, còn diễn ra Lễ Vu Lan báo hiếu còn được gọi là lễ “Vu Lan bồn”, một trong những lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo. Lễ này thể hiện một trong "Tứ đại trọng ân” của nhà Phật: Ân Cha Mẹ; Ân Tam Bảo Sư trưởng; Ân quốc gia xã hội và Ân chúng sinh vạn loại.
Ân Cha Mẹ là ân đầu tiên trong tứ ân, Cha Mẹ ở đây không phải chỉ là người sinh thành mà có thể hiểu là chúng sinh.