Sản lượng tiêu thụ lẹt đẹt, giá bán thấp, giá xuất khẩu rớt kỷ lục, nhưng ngược lại, các chính sách thuế, phí đối với ngành than lại ngày càng cao. Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) vừa chính thức có văn bản lên tiếng…
Giá than bán cho điện chỉ bằng 70% giá thành |
Giá giảm, tồn kho cao
Theo khảo sát của VEA, giá than trong nước hiện rất thấp, đặc biệt giá than bán cho điện quá thấp (cho đến nay chỉ đạt khoảng 55% giá thành). Giá bán xuất khẩu hiện đã xuống thấp tới mức kỷ lục: than cám 8B-HG giảm 36%, than cục 4A-HG giảm 24%, than cám 11A-HG giảm 25% và than cám 9B-HG giảm 25%.
Theo quy định tại Pháp lệnh giá, giá than được vận hành theo cơ chế thị trường, đặc biệt Chính phủ đã cho phép thị trường hoá giá than trong nước từ cuối năm 2009 với mức giá thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%; riêng giá than cho điện đảm bảo đến năm 2010 thực hiện theo cơ chế thị trường (Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2009).
Nhưng trên thực tế, lộ trình này đã triển khai rất chậm so với dự kiến; gần đây Chính phủ đã cho phép tăng giá than nhưng với mức tăng lần này giá than bán cho điện cũng chỉ bằng 70% giá thành. Do giá bán than trong nước thấp hơn nhiều so với giá thành nên lâu nay hàng năm TKV phải bù lỗ cho các hộ tiêu thụ trong nước đặc biệt là đối với các nhà máy điện với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, mặc dù giá than đã xuống thấp nhưng tiêu thụ than trong nước vẫn giảm mạnh, dự kiến năm 2012 chỉ đạt khoảng 24 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với kế hoạch. Than xuất khẩu cũng không sáng sủa hơn: tháng 7/2012 chỉ bán được 300.000 tấn, bằng 25% bình quân 1 tháng đã thực hiện trước đây.
Tổng sản lượng than tồn kho tính đến ngày 31/7/2012 là 9 triệu tấn. Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, đây là lượng tồn kho cao nhất từ trước đến nay, nhưng chưa có phương án để tiêu thụ. Dự kiến, cả năm 2012 tổng sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt khoảng hơn 39 triệu tấn.
Trước tình hình trên TKV đã chỉ đạo các đơn vị giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ 6,5 triệu tấn than (bằng 15%) so với kế hoạch đầu năm.
Thuế tăng
Trong văn bản kêu lên Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, VEA liệt kê: Ngoài các khoản thuế như: thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuế đất, ngành than còn có thuế tài nguyên tăng từ 1% lên 3%, nay tăng lên 5% đối với than hầm lò và từ 2% lên 5%, nay tăng lên 7% đối với than lộ thiên (thuế tài nguyên đã tăng từ 230 tỷ đồng năm 2007 lên 2.990 tỷ đồng năm 2011); thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 10%, 15% và vừa qua lên 20% (mặc dù hiện nay Chính phủ đã giảm xuống còn 10% nhưng vẫn cao so với các nước trong khu vực và đặc biệt so với những khó khăn mà ngành than đang gặp phải; lệ phí cấp giấy phép thăm dò, lệ phí cấp phép khai thác; hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất và chi phí thăm dò; ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; phí bảo vệ môi trường tăng từ 6 lên 10 ngàn đồng/tấn than nguyên khai, bổ sung thêm thuế bảo vệ môi trường 20.000VNĐ/tấn; tiền cấp quyền khai thác; phí nước thải….
Đặc biệt, VEA đã chỉ ra những bất cập của việc thu tiền cấp quyền khai thác áp dụng theo quy định của Luật Khoáng sản. Việc này không những trùng lặp với thuế tài nguyên theo quy định của Luật thuế Tài nguyên mà DN vừa phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và chi phí thăm dò khoáng sản lại vừa phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhằm dùng để điều tra cơ bản địa chất.
VEA cho rằng, với các quy định hiện hành trên thực tế đang biến quy định “đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản” của Luật Khoáng sản trở thành “đấu giá mua mỏ”. Điều đó không những đi ngược lại yêu cầu của Luật Khoáng sản là “Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư”.
“Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) ước tính chỉ riêng đối với tài nguyên than (tạm tính Q = 3 tỷ tấn) phải nộp hàng chục ngàn tỷ đồng/lần. Điều đó đồng nghĩa với việc đẩy TKV vào chỗ phá sản...”- Văn bản của VEA lên tiếng.
Thanh Lan