Đó là tâm trạng chung mà nhiều doanh nghiệp đã cùng bày tỏ tại hội “Kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ” do Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam tổ chức diễn ra mới đây ở Hà Nội.
Khó khăn về vốn, thiếu lao động
Ông Trần Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh - đang khá lúng túng trước việc đối phó với sức ép cạnh tranh của các nước láng giềng khi doanh nghiệp (DN) này đang buộc phải đẩy giá thành sản phẩm lên cao vì tỷ giá cũng như lãi suất đang tăng nhanh.
Bản thân ông Quang đang rất quan tâm đến những giải pháp của bộ, ngành trong việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát. Theo ông Quang, việc ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát có tác dụng sống còn đối với hoạt động DN như ông.
Ông Quang đã chia sẻ hết những khó khăn với đại diện các DN có mặt tại hội nghị đồng thời bày tỏ mong muốn được các chuyên gia đưa ra một giải pháp thích hợp cho DN mình tại thời điểm khó khăn này.
Ông Quang cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên 20.693 đồng/USD vào ngày 11/2 (tăng 9,3%) đã ảnh hưởng ngay tức thì khi DN của ông đang phải mua đô la Mỹ với giá 22.200-22.300 đồng/USD, cao hơn nhiều so với giá ngân hàng thương mại đang niêm yết. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang ở mức cao, vì vậy, giá thành sản phẩm của DN đã bị đội lên cao hơn so với các nước trong khu vực, giảm khả năng cạnh tranh.
Còn bà Dương Thị Hương Liên - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Bắc Đô thì đang rất lo lắng khi hiện nay với tỷ giá cao, lãi suất cao như vậy, DN của bà sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Theo đó, sẽ kéo theo một loạt hệ lụy: Thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Nếu DN giảm bớt sản xuất, tức là đồng nghĩa với việc cắt giảm công nhân.
Theo bà Liên, một công nhân may để đào tạo lành nghề phải mất đến 4-5 năm. Bây giờ nếu DN cắt bớt lao động, sau đó tuyển dụng lại sẽ mất thêm chi phí, thời gian đào tạo. Bản thân bà cũng đang rất khó khăn trong việc tìm được hướng giải quyết tốt nhất cho DN vào thời điểm này.
Đại diện một DN dệt cho biết, hiện nay giá cả thị trường chao đảo, ảnh hưởng rất lớn đến tồn vong và hoạt động của DN. DN của ông cũng đang đau đầu trước việc có mua hàng dự trữ hay không.
Chưa nên mở rộng quy mô sản xuất?
Ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, DN nói cho cùng đều phải tính toán thu chi và ít nhất cũng dự báo rủi ro và quản lý rủi ro, thậm chí nếu rủi ro quá lớn, không quản lý được thì phải tạm hoãn việc mở rộng quy mô sản xuất, chờ tình hình ổn định. Theo ông Thúy, thị trường tiền tệ có thể ổn định sớm.
Đồng quan điểm với ông Thúy, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, các DN nên điều chỉnh sản lượng sản xuất của mình xuống ở mức hòa vốn hoặc có lãi ít để duy trì lao động, duy trì khấu hao, chi phí...
Theo ông Nghĩa, đây là một phản ứng hết sức bình thường trong thời điểm hiện nay và từ quý 3 trở đi, lãi suất mới có cơ hội để giảm.
Chia sẻ với DN tại buổi hội thảo, ông Lê Đức Thúy cho rằng, những biện pháp mà Chính phủ nêu ra kỳ này thành công được còn tùy thuộc vào kỹ thuật điều hành, năng lực xử lý một cách khoa học và nghệ thuật của người điều hành. Đơn cử như theo Nghị quyết của Chính phủ, cần thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nới lỏng, thắt chặt đến đâu còn phải đo lường tác động của nền kinh tế để kịp thời điều chỉnh. Việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước... sẽ buộc các bộ, ngành, địa phương và các DN phải tính toán kỹ càng để sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả.
Hải Yến