Phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%
Sau 11 tháng triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thị trường TPDN được ghi nhận là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp (DN) với khối lượng phát hành đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5% tổng khối lượng phát hành (còn lại là TPDN phát hành ra công chúng).
Các tổ chức tín dụng (TCTD) và DN bất động sản (BĐS) là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường chiếm lần lượt 34% và 27,7% tổng khối lượng phát hành, tiếp đến là các DN thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán…
Về cơ cấu nhà đầu tư (NĐT), các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại là các NĐT chính trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng mua TPDN riêng lẻ của NĐT cá nhân giảm so với năm 2020.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN (có hiệu lực từ 15/1/2022), trong đó quy định việc TCTD chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN bao gồm các quy định nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư TPDN của các TCTD.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho hay, “qua công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính nhận thấy thị trường TPDN vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, cần giám sát chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh…”.
Cụ thể, trong số các TPDN phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; TPDN không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1% (trong đó TPDN do các TCTD và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%). Trong số 300 DN phát hành TP riêng lẻ, có 207 DN có tài sản đảm bảo (chủ yếu là BĐS, chứng khoán, chương trình, dự án…)
Mặc dù tỷ lệ TPDN có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường. Theo đó, trường hợp thị trường BĐS hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi TP. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của DN. Do đó, NĐT cần đánh giá kỹ các rủi ro này.
Đối với DN phát hành, vẫn có trường hợp DN phát hành trái phiếu với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Đặc biệt đối với nhóm BĐS, trong số hơn 100 DN BĐS phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021, có 26 DN ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021.
Hãy là nhà đầu tư thông thái!
Luật Chứng khoán, Luật DN và các Nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ chỉ NĐT chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TP DN phát hành riêng lẻ. Vì vậy, Bộ Tài chính khuyến cáo, trước khi mua TPDN riêng lẻ, NĐT cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.
NĐT cần yêu cầu DN phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của DN phát hành, gồm: Tình hình huy động vốn TP (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc TP đã phát hành) và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của DN (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn/dài hạn, hệ số luân chuyển hàng tồn kho…); mục đích phát hành TP; tài sản đảm bảo của TP (trường hợp tài sản đảm bảo của TP chưa được đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo, NĐT phải rất thận trong nếu DN phát hành sử dụng cùng 1 tài sản để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ nợ trái pháp luật).
Sau khi mua TP, NĐT cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ TP có phù hợp với mục đích phát hành hay không.
Chỉ khi nắm rõ thông tin về TP, đánh giá đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, NĐT mới nên quyết định mua TP… NĐT cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của TP, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua TP.
NĐT cũng cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua TP; NĐT cũng cần lưu ý việc các TCTD, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua TP…