Sự ra đời kỳ lạ
Athena - đứa con thứ năm của Zeus. Nàng không phải do mẹ sinh ra mà do bố sinh ra và được sinh ra từ…đầu! Thần Zeus lấy nữ thần Metis, theo truyền thuyết thì chính Metis mới là người vợ đầu tiên của Zeus chứ không phải Nữ thần Hera. Metis là người đã nói cho biết thứ lá cây thần diệu và bí hiểm để Zeus lấy về cho Cronos uống, nhờ thế nên Cronos mới nôn ra hết những anh chị em của Zeus bị nuốt từ khi mới ra đời.
Đứa con đầu lòng của Zeus và Metis là một bé gái. Ngày sắp sinh đứa con thì một lời sấm ngôn của nữ thần Đất mẹ - Gaia truyền cho họ biết, đứa con này sẽ là con trai và lớn lên nó sẽ mạnh hơn cả Zeus. Nó sẽ truất ngôi bố và tranh giành lấy quyền cai quản thế giới Olympus và thế giới loài người.
Zeus lo sợ về lời sấm nguyền đó, ông tìm cách đối phó lại. Và cách tốt nhất theo ông nghĩ là bắt trước Cronos: Nuốt! Zeus nghĩ thế mà nuốt luôn người vợ đang bụng mang dạ chửa của mình. Ít ngày sau Zeus bị mắc chứng đau đầu dữ dội và từng cơn dài. Trong một cơn đau đớn cực hạn, Zeus đã gọi đứa con thứ lại và ra lệnh: “Lấy búa bổ vào đầu ta ngay, làm ngay đi…”. Đứa con thấy cha không thể chịu đựng được nữa liền tuân theo, chàng nâng cây búa nặng ngàn cân lên, dùng hết sức bình sinh giáng 1 búa thật mạnh vào đầu Zeus.
Điều kì lạ đã xảy ra, sọ của Zeus nứt toác làm hai và từ khe nứt đó nhảy ra ngoài một thiếu nữ với võ phục gọn gang, tay kiếm tay cung, mắt sáng như gương. Vừa nhảy ra khỏi đầu Zeus, nàng liền hét lên một tiếng như sấm vang động cả trời đất như khi xung trận. Đó là Nữ thần Athena – vị thần Trí tuệ, Tri thức và Chiến tranh. Athena đội mũ đồng sáng loáng, mặc áo giáp, đứng uy nghi oai phong lẫm liệt như một vị nam thần.
Vì là nữ thần của Trí tuệ, Tri thức nên Athena sáng tạo ra nhiều điều để dạy người dân Hy Lạp. Nàng đã sáng tạo cho người dân cái cầy và cái bừa để họ có thể làm ruộng, trồng lúa, trồng nho. Nàng trao cho những người phụ nữa cái xa quay sợi và khung cửi dệt. Nàng dạy cho họ nghề dệt khéo léo và công phu để họ có thể dệt nên những tấm vải mong muốn. Vì lẽ đó nên Nữ thần Athena còn được gọi là nữ thần bảo hộ cho nghề thủ công. Nàng còn là người đặt ra các luật lệ cho các đô thị để cho người dân biết cách cai quản điều hành cuộc sống của mình được trật tự và công bằng.
Trong các tác phẩm sau này của nhà thơ La Mã Ovid, Athena được cho là đã xử phạt Arachne trần thế trong cuộc thi dệt. Arachne là một người con gái trần gian có tài thêu dệt rất đẹp. Có người nói nàng học từ nữ thần Athena. Cô ta phạm thượng trả lời: "Tôi tự có năng khiếu bẩm sinh chứ ai cần cô ta dạy bảo!" Nữ thần Athena rất tức giận, biến thành một cụ già đến khuyên bảo nhưng cô ta không nghe, Athena bèn thi tài với cô ta.
Athena thêu dệt lại hình ảnh 12 vị thần trên đỉnh Olympus còn cô ta thì thêu hình ảnh trần tục, hoang lạc của các vị thần. Athena vô cùng tức giận và dùng con thoi đánh Arachne. Uất ức, Arachne tự vẫn. Nữ thần tội nghiệp liền hóa phép cô ta thành con nhện. Con cháu của cô ta cũng là giống nhện, mãi mãi thêu thùa những chiếc mạng nhện mà ta thấy ngày nay.
Vị thần chiến tranh chính nghĩa
Athena là một nữ thần rất mực thông minh, xinh đẹp, một nữ thần vừa hiếu chiến vừa chủ hoà, vì chỉ có sau khi chiến thắng thì mới có hoà bình. Thần khuyến khích tinh thần chiến đấu của các dũng sĩ, cho họ sức mạnh, sự quyết tâm, lòng kiên định và lời khuyên lúc nguy nan.
Nữ thần chiến tranh Athena khác biệt với Ares. Nàng là người bảo trợ các trận chiến. Ares là hiện thân của sự hung hăng và sự can đảm không chính đáng, trong khi Athena gắn liền với kế hoạch chiến lược. Athena chỉ ủng hộ cho hành động phản kháng tự vệ trước sự xâm lăng của quân thù. Đối với người Hy Lạp cổ xưa, Athena là vị nữ thần của chiến trận, chiến thắng.
Đặc biệt, Athena thường có một biệt danh quen thuộc là Pallas, người xưa giải thích, sỡ dĩ nàng có biệt danh này là do nàng đã đánh bại được tên không lồ Pallas trong một cuộc giao tranh ác liệt. Để ghi nhớ chiến công hiển hách của mình, Athena đã lột da địch thủ căng lên tấm khiên.
Cũng có truyền thuyết khác lý giải về chuyện này, Pallas không phải là một tên khổng lồ đã bị đánh bại trong cuộc giao tranh giữa các thần và những tên Gigantos – Đại khổng lồ. Pallas là một thiếu nữ, con vị thần biển Triton. Athena vô tình đã gây ra cái chết của Pallas. Để bày tỏ tấm lòng thương tiếc và hối hận với cái chết của người con gái bất hạnh, Athena đã lấy da của Pallas lợp lên chiếc khiên của mình và ghép tên nàng vào với tên mình.
Ngoài ra, Athena đã hỗ trợ cho các anh hùng Perseus, Jason, Cadmus, Odysseus và Heracles trong những chuyến hành trình của họ. Đặc biệt trong cuộc chiến thành Troia, lúc quân Hy Lạp gần như vô vọng trong việc phá thành thì Athena đã gợi ý chế ra con ngựa gỗ khổng lồ, kết quả là Troia lọt vào tay quân Hy Lạp ngay sau đó.
Anh hùng Perseus cũng đã được Athena hỗ trợ trong cuộc truy sát Medusa, nàng đã cho Perseus mượn giày bay của thần Hermers,túi của thần Hera dùng để đựng đầu Medusa, và khiên trong suốt của thần Athena và mũ tàng hình của thần Hades. Medusa là người em út trong bộ ba chị em ác quỷ Gorgon. Khác với hai cô chị, chỉ có mỗi Medusa là không bất tử, theo đó có thể bị chết giống như người phàm trần, tuy nhiên bất cứ sinh vật nào Medusa nhìn thấy đều bị hoá thành đá. Trong khi giao chiến với Medusa, Perseus chỉ nhìn vào hình ảnh phản chiếu của Medusa nhờ đó mà cắt được đầu quái vật. Kể cả sau khi đã chết, cái đầu của Medusa vẫn còn ma thuật hoá đá. Sau đó, Perseus đã cho Athena chiếc đầu Medusa để trang trí khiên của mình.
Theo thần thoại Hy Lạp, cả thần Poseidon và Athena muốn trở thành người bảo hộ cho miền Atikes (Athen sau này). Để xứng đáng với sự tôn kính của mình, Athena đã tạo ra một cây ôliu làm tươi tốt khắp các thành luỹ Atikes.
Poseidon cố gắng vượt qua Athena bằng cách dùng cây đinh ba của mình đâm xuyên qua mặt đất làm phun lên những cột nước khổng lồ, tuy nhiên vì ông ấy là vị thần của biển cả nên trong nước chỉ có... muối (có truyện thì nói là Poseidon tặng cư dân những con ngựa chiến vô cùng dũng mãnh). Món quà của Athena với người dân làm tươi tốt cả thành luỹ cả vùng đất này. Cuối cùng Athena được chọn là vị thần bảo hộ, đổi tên vùng đất thành Athen đến tận bây giờ.
Người dân Hy Lạp thờ tụng bà như một vị thần tài năng nhất đỉnh Olympus. Và những ngôi đền của cô thường nằm trên đỉnh đô thị kiên cố ở trung tâm thành phố. Đền Parthenon trên thành cổ Athen dành riêng cho cô, cùng với nhiều đền thờ và tượng đài khác. Lễ hội chính của cô ở Athens là Panathenaia, được tổ chức vào tháng Hekatombaion vào giữa mùa hè và là lễ hội quan trọng nhất trong lịch Athen.