Trong những năm qua, vấn nạn phụ nữ và trẻ em bị buôn bán ngày càng trở nên phức tạp. Chưa có biện pháp nào thực sự hữu hiệu để giải quyết triệt để tình trạng này. Nạn nhân trở về thường gặp nhiều khó khăn, bị cộng đồng kỳ thị, bị tổn thương về tinh thần… Vì thế, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng rất cần được chú trọng.
Hình minh họa |
Đi làm ăn: “biến mất” khỏi sổ hộ khẩu.
Bà Vũ Thị K (SN 1955, quê quán tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Năm 1979, bà lấy chồng và chuyển hộ khẩu thường trú về thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Vợ chồng bà lần lượt sinh được 03 người con. Tuy nhiên do cuộc sống gia đình quá khó khăn nên bà K đi cất hàng từ Móng Cái về bán lẻ sẽ có lãi cao hơn.
Năm 1992, khi bà K lên Móng Cái lấy hàng về buôn bán thì bị người ta lừa và bị đem bán sang Trung Quốc. Đến năm 2000, bà K bỏ trốn và trở về đến Việt Nam và đã bị mất hết giấy tờ tùy thân. Khi trở về nhà, gia đình của bà nay chỉ còn lại ba người con trai. Tên của bà trong Sổ Hộ khẩu gia đình cũng không còn. Bà trở thành người sống chui lủi trên chính quê hương và gia đình của mình. Mọi quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, bà đều không thể thực hiện.
Quá trình tìm hiểu, bà K được biết Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (TGPL) có thực hiện giúp đỡ pháp luật cho những người phụ nữ bị buôn bán trở về nước giống như trường hợp của bà. Vì vậy, bà tìm đến với Trung tâm và nhờ giải đáp vướng mắc của mình.
Được “trả lại tên”
Yêu cầu của bà K “muốn nhập hộ khẩu về cũng với con trai có được không, tôi phải đến cơ quan nào và làm những thủ tục gì?”.
Nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của bà K, cán bộ Trung tâm TGPL thành phố Hải Phòng đã tư vấn cho bà những quy định của pháp luật về quản lý hộ khẩu, hướng dẫn bà các thủ tục cần thiết để bà có thể đến Công an huyện Kiến Thụy để yêu cầu nhập hộ khẩu về cũng với các con trai của bà. Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết pháp luật của bà hạn chế nên bà lại tiếp tục nhờ đến sự giúp đỡ của Trung tâm.
Để có cơ sở trợ giúp pháp lý cho bà, Trung tâm TGPL thành phố Hải Phòng đã tiến hành xác minh tại địa phương trước đây bà K sinh sống, yêu cầu bà cung cấp bản sao giấy khai sinh của người con trai mà bà đang muốn nhập hộ khẩu về (anh Vũ Văn P) và sau đó, có văn bản gửi Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng đề nghị xác nhận số phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về. Đối chiếu với các quy định của pháp luật về quản lý hộ khẩu, Trung tâm nhận thấy bà K có đủ điều kiện để được đăng ký hộ khẩu tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ thành phố Hải Phòng.
Trung tâm TGPL thành phố Hải Phòng đã kiến nghị Công an huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng xem xét, giải quyết. Nội dung kiến nghị nêu rõ “hoàn cảnh” của bà K cũng như các căn cứ pháp lý để bà có thể nhập khẩu.Trên cơ sở xem xét kiến nghị của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hải Phòng, ngày 10/10/2009, Công an huyện Kiến Thụy đã chấp nhận kiến nghị và thực hiện việc đăng ký hộ khẩu thường trú cho bà Vũ Thị K.
Như vậy, vụ việc đã được giải quyết tương đối tốt. Quan điểm, đề xuất của Trung tâm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận và coi đó là căn cứ để giải quyết vụ việc.
L.T.L