Thẩm phán tòa chống tham nhũng lĩnh án tù vì "ăn bẩn"

Thẩm phán tòa chống tham nhũng lĩnh án tù vì "ăn bẩn"
(PLO) -Ngày 18/12/2013, Setyabudi Tejocahyono, cựu thẩm phán, phó chánh án Tòa án chống tham nhũng thành phố Bandung thuộc tỉnh Tây Java, Indonesia  bị Tòa án chống tham nhũng kêu án tù về tội nhận hối lộ. Thêm một thẩm phán làm xói mòn niềm tin của người dân vào luật pháp của nước này.
Thẩm phán nhận hối lộ của thị trưởng.
Ngày 18/12/2013 ba thẩm phán của Tòa chống tham nhũng đã kêu án ông Tejocahyono 12 năm tù và phạt ông ta 200 triệu Rp (viết tắt của Rupiah, đơn vị tiền tệ của Indonesia, tương đương với 16,5 ngàn USD; khoảng 230 triệu VNĐ). Nếu không nộp tiền phạt 200 triệu Rp, bị can sẽ phải ở tù thêm ba tháng.
Bản án này không làm hài lòng cả Ủy ban bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) lẫn bị can, một bên cho là nhẹ, còn một bên cho là nặng. Ủy ban chống tham nhũng Indonesia đề nghị mức án 16 năm tù và 400 triệu Rp tiền phạt. Công tố viên và luật sư của bị can đang xem xét việc chống án lên tòa cấp trên.
Theo luật chống tham nhũng No 31/1999 được sửa đổi bởi luật No 20/2001, thẩm phán nhận quà hay lời hứa hẹn nhằm mục đích ảnh hưởng tới quyết định xét xử sẽ bị phạt ít nhất ba năm tù và cao nhất 15 năm tù, kèm mức phạt tối thiểu 150 triệu - 750 triệu Rp. Người đưa hối lộ cho thẩm phán cũng bị xử hình phạt tương tự.
Tejocahyono bị bắt vào tháng 3/2013 sau khi cơ quan điều tra kết luận ông này nhận hối lộ 150 triệu Rp (15.395 USD). Vụ bắt thẩm phán Tejocahyono ngay tại văn phòng của ông ta ở Bandung diễn ra như trong phim:
Nhân viên điều tra theo dõi một người đàn ông lái xe hơi đến văn phòng của Tejocahyono. Sau khi người đàn ông rời văn phòng, cảnh sát ập vào bắt Tejocahyono cùng với tang vật là số tiền 150 triệu Rp gói trong giấy báo. 
Người đàn ông đưa tiền cho thẩm phán Tejocahyono cũng bị bắt. Người này là một nhà kinh doanh, tên Toto Hutagalung, là phụ tá thân cận của Dada, cựu thị trưởng. Toto thành thật hợp tác với cơ quan điều tra, đã khai cựu thị trưởng Bandung, Dada Rosada, là người chủ chốt trong việc đưa hối lộ để thẩm phán Tejocahyono không đề cập tới Dada và vài quan chức cao cấp của thành phố trong vụ tham nhũng tiền quỹ cứu trợ xã hội.
Cựu thẩm phán Setyabudi Tejocahyono bị bắt
 Cựu thẩm phán Setyabudi Tejocahyono bị bắt
Trước đó KPK đã đặt nghi vấn về Tejocahyono ăn hối lộ qua việc ông ta xử một số can phạm bị buộc tội tham nhũng không đúng quy định của pháp luật trong thời gian 11 tháng làm chánh án xét xử một vụ tham nhũng lớn ở thành phố Bandung. Bảy can phạm chỉ bị kêu án mỗi người một năm tù trong khi công tố viên đề nghị mức án mỗi người từ 3 - 4 năm tù. Toto khai rằng thẩm phán Tejocahyono đã nhận tiền để xử nhẹ tội bảy bị can 
Vụ tham nhũng 7 triệu USD. 
Bảy can phạm này liên quan đến một vụ tham nhũng rất lớn làm chấn động dư luận Indonesia: Tham nhũng 40 tỷ Rp (7 triệu USD, khoảng hơn 14 tỉ VNĐ) từ quỹ cứu trợ xã hội được giải ngân trong các năm 2009 và 2010. Cơ quan kiểm toán tối cao Indonesia phát hiện những bất thường trong việc chi quỹ cứu trợ xã hội của thành phố Bandung. 
Thành phố báo cáo chi 79,6 tỷ  Rp trong tổng số tiền 80 tỷ Rp của quỹ cho các chương trình xã hội. Tuy nhiên thành phố không chỉ ra được ai đã nhận tiền của quỹ và tiền đã chi ra được sử dụng như thế nào. Các quan chức thành phố Bandung chỉ đưa cho Cơ quan kiểm toán một số biên lai và giải thích tiền được chi cho “các nhóm ẩn danh”. Giữa cuộc điều tra, thị trưởng Bandung trao tay 2,45 tỷ Rp cho Văn phòng công tố viên Tây Java. Văn phòng nhận nhưng nói số tiền quá nhỏ so với hơn 79 tỷ Rp bị mất. 
Việc thất thoát tiền của quỹ cứu trợ xã hội thường xảy ra ở Indonesia. Quỹ cứu trợ xã hội của tỉnh Tây Java năm 2010 đã thất thoát khoảng 1,7 ngàn tỷ Rp (khoảng 184,80 triệu USD). Những khoản tiền lớn được giải ngân nhưng không chỉ ra được chúng đã đi về đâu. 
KPK “sờ” tới thị trưởng Bandung Dada Rosada. Tháng 7/2013, KPK buộc Dada tội đưa hối lộ để ảnh hưởng tới việc xử bảy quan chức tham nhũng số tiền bảy triệu USD quỹ cứu trợ xã hội. Tòng phạm với Dada gồm Edi Siswadi, thư ký thành phố, người đã khai nhận lệnh của Dada “chạy” tiền đưa hối lộ; và Hery Nurhayat, trưởng cơ quan quản lý tài sản và tài chính thành phố; và Asep Triana, người trung gian. Dada và Edi đối diện với mức án tối đa 15 năm tù, có thể bị phạt tiền 750 triệu Rp nếu tòa tuyên họ có tội. 
Phần đông người dân Indonesia tin thẩm phán sẵn sàng ăn hối lộ 
Người dân Indonesia cho rằng thẩm phán rất dễ ăn hối lộ và tư pháp là một trong số các ngành yếu nhất tại nước này. 
Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện tại Indonesia từ 4 – 16/12/ 2012. Có 1200 người được lựa chọn ngẫu nhiên ở khắp 33 tỉnh của Indonesia để trả lời phỏng vấn. Kết quả 60% người trả lời phỏng vấn tin rằng thẩm phán dễ nhận hối lộ; trong khi chỉ có 23% nói ngược lại; 47% cho rằng tòa không độc lập khi xử lý các vụ kiện; 32% tin rằng các nhà kinh doanh có thể dễ dàng ảnh hưởng đến việc xét xử; và 30% cho rằng các đảng chính trị cũng ảnh hưởng đến tòa.
Cựu thị trưởng Bandung Dada Rosada
Cựu thị trưởng Bandung Dada Rosada 
Lòng tin của người Indonesia dành cho các thẩm phán không cao có lẽ vì đã xảy ra một số vụ thẩm phán nhận hối lộ bị án tù, như ngày 26/6/2006, thẩm phán Herman Allositandi của tòa án quận Nam Djakarta bị kêu án 54 tháng tù về tội tống tiền một nhân chứng trong một vụ xử hối lộ. 
Ngày 2/8/2010, thẩm phán Ibrahim của Tòa hành chĩnh Djakarta bị kêu án sáu năm tù và bị phạt 200 triệu Rp do nhận hối lộ 300 triệu Rp từ một nhà kinh doanh dầu cọ trong một vụ tranh chấp đất đai. Chỉ bốn tháng sau, đầu tháng 12/2010 thẩm phán Muhtadi Asnun của tòa án quận Tangerang bị kêu án hai năm tù vì nhận hối lộ 40.000 USD của một người tên Gayus H. Tambunan.
Năm 2012 lại liên tiếp hai thẩm phán bị lôi cổ ra tòa. Ngày 28/2/2012, thẩm phán Syarifuddin Umarcủa tòa án quận Trung Djakarta bị kêu án bốn năm tù và  bị phạt 150 triệu Rp do nhận hối lộ 150 triệu Rp trong khi xét xử một vụ kiện; một thẩm phán khác bị kêu án sáu năm tù vì nhận hối lộ 200 triệu Rp.
Gần đây nhất, giữa tháng 4/2013, hai thẩm phán Kartini và Heru Kisbandono của tòa chống tham nhũng Pontianak bị kêu án tù vì nhận hối lộ 150 triệu Rp trong một vụ xử tham nhũng: Kartini nhận 8 năm tù và  hoặc 500 triệu Rp tiền phạt hoặc ở thêm 5 tháng tù; Heru bị 8 năm tù.

Tin cùng chuyên mục

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Đọc thêm

Khởi tố 4 cán bộ liên quan sai phạm trong công tác tuyển sinh

Năm học 2021 - 2022, có 36/60 học sinh tuyển sinh không đúng quy định vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa.
(PLVN) - Ngày 10/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ sai phạm trong tuyển sinh tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Ông Trần Đình Triển bị phạt 3 năm tù

Luật sư Trần Đình Triển. (Ảnh: Facebook Trần Đình Triển)
(PLVN) - Bị cáo Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù vì tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Bắt giam Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ

Cơ quan công an đọc lệnh bắt Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ.
(PLVN) - Ngày 10/1, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ và Cao Tiến Hạnh, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ, với cùng tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Gọi báo cháy giả sẽ bị xử phạt nặng

Gọi báo cháy giả sẽ bị xử phạt nặng
(PLVN) -  Đường dây nóng 114 hoạt động 24/24h trong ngày, tiếp nhận cuộc gọi của người dân yêu cầu cứu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy, nổ, mắc kẹt, đuối nước, sạt lở đất, sập nhà… Tuy nhiên, nếu gọi đến 114 để thông báo một vụ cháy không có thật, người gọi sẽ bị xử phạt.