[links()]Sau khi PLVN đăng phóng sự về việc TAND huyện Yên Thành, Nghệ An, "trút giận" lên đầu bị cáo – người đã giúp công an bắt quả tang Thẩm phán Bùi Anh Đức của TAND huyện này “ăn” tiền “chạy án”, dư luận bức xúc đề nghị PLVN tiếp tục xác minh, làm rõ sự việc…
Chúng tôi trở lại Yên Thành trong cái nắng như đổ lửa với hành trang là những ý kiến qua đường dây nóng, đơn thư gửi tới tòa soạn của người dân cung cấp những bằng chứng tố cáo chuyện “ăn bẩn” của vị thẩm phán này.
"Không chừa một ai"
Với phương châm theo “barem và khỏi mặc cả”, ngoài vụ bị bắt quả tang vừa qua, thẩm phán Đức còn nhận tiền của một gia đình thuộc diện nghèo khổ nhất thị trấn Yên Thành sống bằng nghề nhặt rác.
Theo thông tin người dân cung cấp, chúng tôi tìm tới nhà anh Chu Văn Lĩnh ở xóm 2, thị trấn Yên Thành để xác minh. Căn nhà cấp 4 nằm ven cánh đồng không một bóng râm, trong cái nóng như thiêu đốt, ngôi nhà hầm hập như lò xông hơi. Anh Lĩnh gọi ba đứa con thơ dại cùng người vợ mới tiếp chúng tôi trong trạng thái mệt mỏi, buồn bã.
Anh Lĩnh và 3 đứa con kể lại chuyện buồn của gia đình với phóng viên |
Anh Lĩnh có với người vợ trước ba đứa con, cuộc sống khốn khó ở vùng quê thuần nông chật vật khiến quan hệ vợ chồng lúc nào cũng căng thẳng. Bố anh Lĩnh làm nghề nhặt phế phẩm trong huyện để mưu sinh, mẹ thì bị ung thư gan nặng nằm liệt giường.
Hoàn cảnh cơ cực, nên ngoài làm ruộng Lĩnh phải đi làm thuê lúc thì thợ hàn, khi thì thợ sắt để kiếm thêm thu nhập. Một hôm, hai vợ chồng cãi vã kịch liệt, vợ của Lĩnh đã ép ba đứa con và tự mình uống thuốc sâu tử tự, nhưng may mắn được hàng xóm phát hiện nên vợ con Lĩnh được cứu sống.
Vợ Lĩnh sau đó bị tuyên án về tội giết người và chịu hình phạt 7 năm tù giam tại Trại 6 (Nghệ An). Trước cuộc sống bế tắc, vợ đi tù, một mình “gà trống nuôi con”, Lĩnh quyết định đi thêm bước nữa. Nhưng để cưới vợ mới Lĩnh phải ly hôn với người vợ cũ nên đã nộp đơn ra TAND huyện Yên Thành và từ đây, Thẩm phán Đức đã cò kè mức giá để xử ly hôn nhanh cho Lĩnh.
Anh Lĩnh kể: “Sau khi em nộp đơn cho tòa án vào tháng 3, vào đầu tháng 4/2012, thư ký tòa án huyện là chị Phương gọi điện bảo em lên gặp anh Đức để bàn chuyện ly hôn. Em lên gặp anh Đức và trình bày là gia đình em quá khó khăn, lại một mình nuôi con nên cần ly hôn để lấy vợ.
Anh Đức bảo nếu anh mà trực tiếp đi lên Trại làm thủ tục giúp em thì phải có chi phí, mà chi phí không phải tính bằng trăm ngàn đồng mà là tiền triệu. Em bảo anh Đức phải nói cụ thể số tiền để em lo. Anh Đức bảo sáng mai đưa đây 5 triệu đồng. Để xoay xở số tiền này, em phải bán con lợn được 2,2 triệu đồng rồi vay mượn thêm từ ông bà nội ngoại để mang tới phòng làm việc để nộp cho anh Đức”.
Lĩnh cho biết thêm, hai ngày sau, Thẩm phán Đức gọi điện báo: Sáng mai cầm thêm tý tiền nữa để đi cùng anh em lên Trại làm thủ tục. Thế là Lĩnh lại tiếp tục đi vay nặng lãi được hơn 1 triệu đồng cầm theo để làm lộ phí. “Tất cả tiền thuê xe, ăn sáng, ăn trưa…em đều lo hết. Và bất ngờ mấy ngày sau biết anh Đức bị công an huyện bắt quả tang đang nhận tiền của người dân ở một vụ án khác. Đến nay, “tiền mất, tật mang” nhưng việc của em vẫn chưa được xử lý”. – Anh Lĩnh thở dài.
Những giọt nước mắt có muộn màng?
Trở lại nhà ông Ngô Xuân Thảo (bị cáo trong vụ án bị thẩm phán Đức vòi tiền chạy án) nằm ở xóm Đồng Nhân, xã Đồng Thành, Yên Thành. Ông Thảo cho biết vừa nộp đơn kháng cáo từ tòa án huyện trở về. Vợ chồng ông mặt mày phờ phạc vì mất ngủ và khóc quá nhiều trong giai đoạn khó khăn nhất của gia đình ông. Ông bà kể lại bi kịch của gia đình khi ông Thảo dính vào vòng lao lý.
Ông nhà tôi làm thủ quỹ của xã, quản lý nhiều khoản tiền của xã và nhân dân như tiền đất, tiền sản phẩm, tiền lương của cán bộ hưu trí… “Tôi cứ thấy chủ tịch xã gọi điện là nhà tôi lại đi vay tiền”- Bà Hoàng Thị Vinh, vợ ông Thảo cho biết. Mấy năm nay bà bị bệnh áp huyết thấp, bây giờ chồng dính vào tù tội, nợ nần chồng chất nên bà ốm đau liên miên.
“Tôi không rõ nguyên nhân thất thoát, vì trong 4 năm trời xã không kiểm quỹ nên đã xảy ra tình trạng như vậy. Nhiều người nói tôi lấy tiền đi buôn đất là không có, tôi chỉ đi vay tiền cho xã thôi và do mình không có đầu óc quản lý nên xảy ra chuyện đau lòng này”- ông Thảo buồn bã nói.
Ông Thảo khóc òa khi kể về cái ngày cha con ông cầu cạnh thẩm phán Đức, tuổi bằng con trai ông tại tòa án huyện. Khi thẩm phán Đức ngã giá 60 triệu đồng, ông đã quỳ và chắp hai tay van xin Đức là gia đình quá nghèo và không có khả năng kiếm một số tiền lớn như vậy. Nhưng Đức lạnh lùng ngoảnh mặt đi.
“Tôi là người lính từng tham gia 4 năm trong chiến tranh biên giới 1979, vào Đảng tại quân ngũ, được nhiều bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Mặc dù kém hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật, tôi cũng xác định phải chịu hình phạt, nhưng chỉ mong tòa phúc thẩm xử cho hưởng án treo để có đi làm lụng kiếm tiền trả nợ. Nếu tôi bị đi tù thì vợ con tôi không biết ở vào đâu vì tiền vay nợ đã quá nhiều, họ sẽ lấy mất nhà và đất”, nói đến đây ông lại khóc.
Lúc xuôi đường về thị trấn, câu kết luận trong bản án mà TAND huyện Yên Thành vừa tống đạt cho ông: “Bị cáo Thảo rất liều lĩnh, xem thường pháp luật, cần xử lý nghiêm, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội” cứ lởn vởn trong đầu chúng tôi. Dường như nó không ăn nhập gì với khuôn mặt chân chất, ánh mắt hiền hậu và những giọt nước mắt xé lòng đó.
Ông Ngô Sỹ Tiến, Chánh án TAND huyện Yên Thành: “Thật lòng, từ khi anh Đức anh làm chuyện đó nó làm ảnh hưởng chúng tôi rất lớn. Tôi tủi nhục lắm. Khổ tâm lắm. Qua sự việc này đạt đến mức độ mà anh em không còn muốn làm ngành tòa án nữa. Lên đây hai năm, bao nhiêu công sức đổ xuống sông, xuống biển rồi. Kể cả thời gian làm ở huyện Diễn Châu, gần 20 năm công tác ở tòa tôi chưa để lại điều tiếng gì, quan hệ với bị can, bị cáo với đương sự luôn được tôn trọng và để lại tiếng rất là thơm. Lên đây gặp chuyện anh Đức tôi đau quá”. |
Phi Hùng - Tuấn Ngọc