“Cử tri rất bất bình về tham nhũng. Càng bất bình, càng kêu, càng phát hiện nhiều vụ tham những”, đó không chỉ là bức xúc của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) mà còn là bức xúc của rất nhiều đại biểu, khi Quốc hội đưa vấn đề phòng chống tham nhũng ra bàn bạc công khai trên nghị trường, hôm qua.
Số vụ tham nhũng Chính phủ nêu chỉ là phần nổi?
Theo đại biểu tỉnh Bình Thuận: "Không ít vụ tham nhũng chưa được phát hiện kịp thời, có nơi người có trách nhiệm chống tham nhũng lại tham nhũng". |
“Cần phải diệt, không phòng, chống gì nữa!”
“Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Lâu nay nhiều người dùng từ cuộc chiến chống tham nhũng nhưng theo tôi cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu đã xảy ra thì cũng chưa quyết liệt lắm”, đại biểu Trần Đình Nhã đề xuất.
Đại biểu Trần Đình Nhã: "Tham nhũng đánh vào tình cảm, niềm tin và cả danh dự của nhân dân Việt Nam." |
Và để chính thức bước vào cuộc chiến này, theo đại biểu Đỗ Văn Đương (tp Hồ Chí Minh): Trước mắt, ta nên bàn biện pháp thực hiện. Cần mở cuộc vận động cao điểm để cán bộ công chức tiết chế lòng tham. Cần mở cuộc vận động từ chức đối với Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh – những nơi mà khiến người dân đang bức xúc.
“Phấn đấu chức quyền là khó, giữ chức càng khó hơn, nhưng dám từ chức mới thực sự là anh hùng”, đại biểu Đương nói. Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Đương, cần thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập. Thanh tra cũng cần độc lập như Kiểm toán, Thanh tra nên là thanh tra nhà nước chứ không phải thanh tra Chính phủ.
Ý kiến thành lập một cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập cũng được đại biểu Trương Thị Yến Linh, Cà Mau, đồng tình. Bà nói: “Quốc hội có thể thành lập Ủy ban đặc biệt lâm thời đấu tranh phòng, chống tham nhũng.” Ngoài ra, theo bà Linh, cần phải bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng, chống tham nhũng chuyên sâu hơn, chuyên trách hơn.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Bình Thuận, để triển khai thực hiện các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ cần chỉ đạo triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt hơn các giải pháp phòng, chống tham nhũng mà Chính phủ đã đề ra trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác minh xử lý đối với các vụ việc tham nhũng cần xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, không để kéo dài mất lòng tin trong nhân dân.
“Qua tiếp xúc cử tri, cần phải diệt, không phòng, chống gì nữa. Cử tri đề nghị Trung ương, Quốc hội phải có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn đối với vấn đề này”, Đại biểu Nguyễn Thị Phúc khẩn thiết.
Đại Đặng Minh Châu (Thích Bảo Nghiêm) - TP Hà Nội – cũng đưa ra giải pháp rất đơn giản: Nếu Trung ương làm kiên quyết, làm nghiêm minh, làm thực sự từ trên làm xuống, lựa chọn một số lĩnh vực đang rất bức xúc để làm chuyển biến thì sẽ có sức lan tỏa và hiệu quả rất nhanh chóng. Muốn chống giặc tham nhũng phải có đội quân nòng cốt. Vai trò lãnh đạo chỉ đạo của Đảng thì rõ rồi nhưng cơ quan chống tham nhũng hiện nay của chúng ta đang bị chia cắt và yếu ớt. Nếu không được tổ chức lại thành một cơ quan có sức đủ mạnh, đủ quyền, đủ tầm được lãnh đạo chặt chẽ thì phòng, chống tham nhũng vẫn chỉ là mong muốn, là quyết tâm chính trị mà thôi”.
“Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Tôi đề nghị Quốc hội nhân đây bàn kỹ hơn về cuộc chiến này và phương án tác chiến hiệu quả hơn, vỏ quýt dày thì móng tay phải nhọn. Muốn thắng được tham nhũng tôi đề nghị đã đến lúc phải thay đổi cách đánh và cả người đánh, về cách đánh tôi đề nghị phải như đánh tội xâm phạm an ninh quốc gia, có nghĩa là điều tra, truy tố, xét xử một kẻ xâm phạm an ninh quốc gia, một tên gián điệp, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố thì cũng được phép áp dụng biện pháp đó để điều tra kẻ tham nhũng... Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng”, đại biểu Trần Đình Nhã đề xuất tiếp.
Với đại biểu Nguyễn Thị Khá (Tám Khá) - Trà Vinh – chống tham nhũng khá đơn giản khi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đưa ra phải bảo đảm cho được 3 không đó là: không muốn, không thể, không dám: Không muốn tham ô, tham nhũng vì họ đã có thu nhập ổn định, gia đình hạnh phúc, nệm ấm chăn êm; Không thể làm trái, làm sai, vi phạm pháp luật vì pháp luật Việt Nam đã được điều chỉnh một cách chặt chẽ, không tạo kẽ hở, không tạo điều kiện, không ai tiếp tay cho họ làm sai.
Nếu vi phạm thì phải được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không bao che, phải thu hồi cho được tất cả tài sản từ phạm tội tham ô, tham nhũng mà có. "Phải làm cho pháp luật Việt Nam sớm đi vào cuộc sống, đừng để bọn tội phạm nghĩ rằng họ có thể hy sinh bản thân mình để gia đình họ an nhàn", bà Khá nói.
Nhật Thanh