Với hình ảnh các vũ công lúc lắc ngực, lúc lại lắc mông, rồi có khi run lên và trườn, bò một cách phản cảm, rối mắt đã khiến các chương trình ca nhạc trên sân khấu, trên truyền hình trở thành màn tra tấn khán giả .
Không "đỡ" nổi những màn minh họa kiểu này |
Ca trù cũng.... múa phụ họa!
Không chỉ ở các tiết mục ca nhạc hiện đại, múa minh họa, nhảy phụ họa còn “xông” thẳng vào các chương trình nghệ thuật dân tộc như: Quan họ Bắc Ninh, Liên hoan hát Then- đàn Tính của cá tỉnh khu vực Việt Bắc- Tây Bắc; hát Xoan Phú Thọ; thậm chí ở cả các chương trình hát Xẩm, hát Ca trù…như để cho “vui mắt” và “lấy chân tay…đỡ mồm miệng”.
Sự “thừa mứa” múa minh họa làm cho nhiều người ngán ngẩm. Buồn khi sự tinh tế, sự chắc lọc, sự chuyên nghiệp của nghệ thuật múa ngày càng bị mai một đi, biến dạng đi. Có những nhóm múa phải chạy sô không kém các ca sĩ sao. Cát sê của diễn viên múa khá thấp, tùy quy mô của đêm diễn, từ 100 - 300 ngàn đồng /suất. Vì các tiết mục múa minh họa không có gì phức tạp nên nhiều khi họ chỉ múa đi múa lại một vài điệu giống nhau, họ múa không hồn như tập thể dục cho tất cả các tụ điểm biểu diễn.Tương lai của các nghệ sĩ múa đã từng được mệnh danh là những con thiên nga rực rỡ, sẽ ra sao đây, khi mà họ không biết ngày mai sẽ phải nhảy kiểu gì để vui mắt người xem?
NSUT Nguyễn Mạnh Hà rầu rầu: “Tôi đã từng phải cười chảy nước mắt khi xem múa minh hoa cho bài “Mùa hoa đỏ”. Múa một đường, hát một nẻo, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Có một chị diễn viên múa chuyên nghiệp, khi cùng một tốp múa đi dựng chương trình cho một đội văn nghệ nghiệp dư, chị ấy nói với tôi: “Có bài hát sẵn rồi, chúng em bảo nhau múa nhí nhố một buổi là xong”.
Nghệ thuật múa phụ họa đang bị coi là nhí nhố. Chẳng thế mà, trong đêm diễn trở lại đầu tiên của mình tại TPHCM sau những năm xuất ngoại, ca sĩ Hồng Ngọc đã mặc chiếc áo ngủ, uốn éo qua bài hát “Đừng xa em đêm nay”; bên cạnh đó cô còn cho một anh chàng cởi trần nhảy múa loanh quanh nhằm diễn tả tình trạng cô đơn, nhớ nhung của cô gái. Chính những chi tiết minh họa kệch cỡm này của các nhà biên đạo múa nghiệp dư đã làm giảm chất lượng đêm diễn.
Lại có tiết mục nhóm múa mặc váy áo sen rộng, lại nằm ngửa tênh hênh, hai chân cứ giơ lên vẫy vẫy hở hết cả nội y khiến cho tất cả khán giả cười ồ vì sự hớ hênh, vô duyên của đạo diễn cũng như các diễn viên múa. Hay tiết mục phản cảm của nam ca sĩ Cao Thái Sơn làm người xem hoảng hốt khi diễn các động tác âu yếm vũ công nam như người tình.
Nhạc chẳng nên hồn, múa chẳng nên thân.
Sở dĩ, xảy ra hiện tượng “thảm họa múa” là do những sáng tác của các nhạc sĩ (các bản nhạc, bài ca) không đủ sức hấp dẫn, không khiến người nghe rung động nên người ta phải nhờ đến múa phụ trợ.Hoặc có thể ca sĩ hát chưa thật hay, chưa đủ sức cuốn hút nên phải “mượn” màu mè của múa để làm vui mắt khán giả. Ngoài ra, xuất phát từ thị hiếu của đông đảo khán giả trẻ thích khuấy động, ưa nhảy múa hơn là lắng tâm nghe những lời ca, nét nhạc…Một nguyên nhân nữa là các nhà quản lý, cơ quan chức năng cấp phép tổ chức biểu diễn qua loa, đại khái trong khấu kiểm duyệt chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm trước khi đưa ra công chúng.
Cao Thái Sơn và một màn múa minh họa phản cảm |
Và quan trọng hơn cả là do các phương tiện truyền thông đại chúng như dành nhiều thời lượng phát sóng, đưa tin cho các chương trình này cũng chính là công cụ trực tiếp cổ xúy cho thể loại ca nhạc có nhảy, múa minh họa trở nên phổ biến và khó kiểm soát hơn.Chỉ đến khi cảm thấy quá phản cảm, lố lăng, người ta mới giật mình thảnh thốt và tự hỏi liệu có cần không múa minh họa?
Dẫu biết rằng múa minh họa, phụ họa có những tác dụng tích cực của riêng nó nhưng nếu chỉ vì “mốt” mà bất cứ bản nhạc, bài ca nào cũng đưa múa vào sẽ gây phản tác dụng. Người xem, người nghe sẽ không còn phân biệt nổi múa minh họa cho ca nhạc hay ca nhạc phụ họa cho múa. Tất cả đều trở thành sự nhạt nhòa. Ca nhạc chẳng nên hồn, múa chẳng nên thân.
Vậy làm sao làm sao để múa minh họa, nhảy phụ họa không trở thành “hình nhân thế mạng” và nhảm nhí? Ths. Phạm Hùng Thoan đề xuất, có lẽ trước hết, nhà vũ đạo cần nhận thức lại vai trò của mình. Đã đứng ở vị trí nhà sáng tạo nghệ thuật thì mọi sản phẩm do mình làm ra phải mang đẩy đủ phẩm chất nghệ thuật.
Những nhà quản lý nghệ thuật cần nghiêm khắc xử phạt những kiểu múa như “hình nhân thế mạng” các tiết mục ca nhạc, các truyền thông báo chí cần phê phán mạnh mẽ những tiết mục múa minh họa, nhảy phù họa làm xấu đi hình ảnh nghệ thuật múa. Và nếu các nghệ sĩ múa cần quan niệm đúng và cách làm nghệ thuật nghiêm túc, đầu tư xứng đáng cho từng tác phẩm sáng tạo, thì những bất cập trên sân khấu ca nhạc sẽ sớm được loại bỏ.
Thùy Dương