Nghị quyết (NQ) số 23/2011/NQ-HĐND (23/12/2011) của HĐND TP Đà Nẵng về nhiệm vụ năm 2012 đã khiến dư luận quan tâm khi có một số qui định được cho là “thiếu cơ sở pháp lý” và “không đúng pháp luật hiện hành”. Nhưng đến ngày 1/3, những tranh cãi về một số qui định này vẫn đang chờ ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Không nghề nghiệp không được thường trú ở nội thành
HĐND và Sở Tư pháp TP cho rằng, qui định tại Điểm 9 khoản III Điều 1 NQ 23 là “biện pháp mạnh mẽ, cương quyết hơn đối với việc quản lý cư trú ở đô thị và phân bổ dân cư hợp lý giữa các khu vực nội, ngoại thành”, là cụ thể hoá thẩm quyền “phân bổ dân cư” và “quyết định biện pháp quản lý dân cư” theo Luật Tổ chức HĐND và UBND và là giải pháp trước mắt trong khi chờ hướng dẫn của TƯ về Luật Cư trú.
Một góc TP. Đà Nẵng. Ảnh minh họa. |
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, chủ trương “tạm dừng” đăng ký thường trú tại NQ 23 là không có cơ sở pháp lý và trái với quy định của pháp luật về cư trú. Dù TP.Đà Nẵng thực hiện thẩm quyền theo Luật Tổ chức HĐND và UBND trong quản lý dân cư thì cũng cần phải tuân thủ quy định của Luật Cư trú.
Đại diện Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội); Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ); Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (C64-Bộ Công an); Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng đồng tình với quan điểm này.
Một số kiến nghị, đề xuất của Cục Kiểm tra VBQPPL đối với việc kiểm tra NQ 23: Cần rút kinh nghiệm trong việc thực hiện quy trình soạn thảo dự thảo Nghị quyết của HĐND. Đặc biệt là việc thẩm định của Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đối với dự thảo Nghị quyết trình HĐND thông qua. Đề nghị HĐND TP Đà Nẵng cho kiểm tra, xử lý đối với những nội dung trái pháp luật của NQ 23 mà qua trao đổi thảo luận tại cuộc họp đã có sự thống nhất cao. |
Ngoài ra, đại diện C64 còn cho rằng, Luật Cư trú cũng đã qui định các điều kiện nhập khẩu chặt chẽ hơn cho các TP trực thuộc TƯ nên “việc Đà Nẵng tạm dừng đăng ký thường trú với một số trường hợp và lập luận như trên là không thoả đáng”. “UBPL của Quốc hội sẽ có cuộc họp để nêu quan điểm chính thức, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan của NQ 23” – ông Luyến cho biết.
Đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ còn nhấn mạnh, việc HĐND TP Đà Nẵng đặt ra quy định trên là một hình thức hạn chế quyền tự do cư trú của công dân vì, khoản 1 Điều 1 Nghị định số 56/2010/CP đã nghiêm cấm các hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Do đó, trong quá trình thực hiện các quy định của Luật Cư trú, nếu Đà Nẵng thấy rằng còn có những điểm chưa phù hợp thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và trong khi các quy định chưa được sửa đổi thì vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện.
Dịch vụ cầm đồ: tạm dừng phát triển
Quan điểm các chuyên gia đều cho thấy, cũng như việc “tạm dừng” đăng ký thường trú tại điểm 9 khoản III điều 1, qui định tạm dừng cấp mới giấy phép đăng ký kinh doanh đối với dịch vụ cầm đồ của NQ 23 dù là “để tiến hành rà soát, phân loại, có quy hoạch cụ thể để đảm bảo công tác quản lý tốt đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này” như quan điểm của TP.Đà Nẵng thì cũng không có cơ sở pháp lý. Thậm chí, việc HĐND TP Đà Nẵng quy định về biện pháp xử phạt hành chính đối với một số hoạt động nêu trên là “lấn” sang thẩm quyền của Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, cách quy định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong NQ 23 cũng gây ra cách hiểu là tất cả các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ sở cầm đồ đều sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung này trong khi NĐ 73 chỉ qui định áp dụng hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh cho 6 hành vi cụ thể, trong đó cũng không áp dụng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép của các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Nghiêm cấm việc chuyển nhượng nhà chung cư
Nếu nhà “chung cư” được ghi trong NQ này là nhà trong “Chương trình có nhà ở” của TP, thuộc quỹ nhà ở dành cho một số đối tượng được chính quyền TP giải quyết cho thuê nhà để ở với giá ưu đãi hoặc không thu tiền thuê nhà (là nhà thuộc sở hữu nhà nước, được chính quyền TP giao cho cơ quan quản lý nhà nước về chung cư trực tiếp quản lý) như lý giải của Sở Tư pháp TP thì việc “nghiêm cấm chuyển nhượng, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi” là có cơ sở.
Tuy nhiên, “việc HĐND TP quy định như vậy cũng chưa thực sự phù hợp đối với một số trường hợp dù đó là nhà thuộc sở hữu của Nhà nước. Hơn nữa, cách diễn đạt của NQ 23 dễ tạo ra sự hiểu nhầm là đối với tất cả các loại chung cư nói chung”.
Ngoài ra, qui định tạm giữ phương tiện 60 ngày đối với trường hợp học sinh chưa đủ tuổi đi xe gắn máy trong NQ này vừa không đúng thẩm quyền, vừa trái với quy định của Chính phủ về thời hạn tạm giữ phương tiện (trong trường hợp này chỉ là 10 ngày theo Điều 54 Nghị định 34).
Những phân tích của các chuyên gia đến từ những cơ quan chức năng cho thấy, một số nội dung của NQ 23 cần được kiểm tra, xử lý kịp thời, đảm bảo tính hợp pháp của văn bản và quyền lợi chính đáng của người dân TP.Đà Nẵng.
Trả lời Cục Kiểm tra VBQPPL về quan điểm và ý kiến của Sở trong quá trình thẩm định và tự kiểm tra đối với toàn bộ nội dung và thể thức của NQ 23 (như PLVN đã đưa tin), Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng khẳng định: “các nội dung được đưa ra trao đổi, thảo luận theo Công văn của Cục KTVB “không nằm trong dự thảo NQ được Sở Tư pháp thẩm định trước đó”. Như vậy, dự thảo NQ hoặc một phần dự thảo NQ được đưa ra biểu quyết tại kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng vào tháng 12/2011 không phải là dự thảo hoặc một phần dự thảo được Sở Tư pháp TP thẩm định. Đây là vấn đề cần được kiểm tra vì liên quan đến qui trình ban hành VBQPPL theo Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND năm 2003. |
Huy Anh