Nhằm nâng cao chất lượng và minh bạch trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành thông tư số 12 và Thông tư số 38 quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện theo quy định, chú trọng nâng cao công tác quản lý, qua đó góp phần thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo Thông tư 38 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải, việc siết chặt quy định về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, quy trình sát hạch lái xe ngày càng được cải tiến sát với các tình huống tham gia giao thông, đồng thời toàn bộ quá trình sát hạch cấp Giấy phép lái xe được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch.
Một trong những điểm mới của Thông tư này là: Từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Bên cạnh đó, trong thời gian học lý thuyết, học viên phải điểm danh bằng vân tay và nhận diện khuôn mặt để đảm bảo tham gia đầy đủ khóa học. Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giám sát tất cả các khâu trong quy trình sát hạch thời gian qua đã giúp hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.
Căn cứ vào lộ trình thực hiện các nội dung theo Thông tư số 38, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải cho biết: "Đến nay các trường đã đầu tư xong cơ sở để triển khai đào tạo về nghiệp vụ. Một số trường đang xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí để đáp ứng theo quy định. Với tinh thần chủ động, chúng tôi tin các trường sẽ đáp ứng được theo yêu cầu về tiến độ thực hiện lộ trình".
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 9 đơn vị được cấp phép đào tạo, sát hạch lái xe.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho biết: Phòng đã tham mưu cho sở chỉ đạo các cơ sở đào tạo, sát hạch nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đề cao đạo đức nghề nghiệp và xét tuyển chặt chẽ đầu vào đối với giáo viên. Khuyến khích thi giáo viên dạy giỏi để nâng cao tay nghề, yêu cầu các cơ sở đào tạo đầu tư, nâng cao chất lượng trang - thiết bị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phục vụ việc học và sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Theo Thông tư số 38 của Bộ Giao thông Vận tải, tất cả các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe phải thực hiện 4 nội dung chính như: Tổ chức đào tạo phòng, chống tác hại của rượu bia; Ứng dụng công nghệ nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học Pháp luật Giao thông đường bộ đối với học viên lái xe ô tô, trang bị ca bin học lái sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trong sát hạch lái xe ô tô; Thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên. Theo đó, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Hiệu trưởng nhà trường trung cấp nghề Thái Hà cho biết: Trường Thái Hà mặc dù mới có 6 năm được phép sát hạch cấp giấy phép lái xe, nhưng trung tâm đã có nhiều năm tổ chức dạy học lái xe và được đánh giá cao trong công tác đào tạo lái xe ở Thái Nguyên, Ban Giám hiệu nhà trường và các đội ngũ giáo viên luôn nỗ lực hết sức mình để đảm bảo trong công tác đào tạo sát hạch trong nhà trường được tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Quân khu 1 - Trường Cao Đẳng Số 1 - Bộ Quốc Phòng |
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Quân khu 1 - Trường Cao Đẳng Số 1 - Bộ Quốc Phòng cho biết: Trung tâm luôn quan tâm đến việc nâng cao tay nghề của giáo viên, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra và hội thi kỹ năng nghề hằng năm đối với giáo viên để đánh giá chất lượng. Ở khâu sát hạch, Trung tâm được đầu tư nhiều trang - thiết bị, máy móc, camera giám sát đúng tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải. Tất cả hoạt động sát hạch, chấm điểm đều được tự động hóa trên thiết bị điện tử, đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch.
Ông Phạm Thế Hà – Phó Trưởng phân hiệu Đào tạo Việt Bắc, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản thuộc Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam |
Ông Phạm Thế Hà – Phó Trưởng phân hiệu Đào tạo Việt Bắc, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản thuộc Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam chia sẻ: "Khi mà thông tư 38 chưa áp dụng trường đã đầu tư để học viên làm quen với các thiết bị này. Khi cơ quan quản lý nhà nước siết chặt công tác kiểm tra, giám sát quản lý đào tạo thì sẽ giúp người học nâng cao ý thức. Cơ sở đào tạo cũng nâng cao được chất lượng phục vụ, từ đó góp phần cải thiện chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe".
Chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, giúp cho người lái xe sau khi tốt nghiệp có kỹ năng thực hành tốt, có tư cách đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật, góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh và an toàn.