Hồ sơ bị “ngâm”?
Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản đồng ý chủ trương thực hiện Dự án sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam (Dự án) tại Khu Công nghiệp Sông Công II (KCN) cho Công ty TNHH Interweave Holding.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư mà tỉnh Thái Nguyên cấp cho Dự án sau đó, thì đây là dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư được liệt vào top “khủng” với tổng mức đầu tư lên tới 350 triệu USD (giai đoạn 1) và giai đoạn 2 nâng lên 450 triệu USD.
Nếu thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết thì Dự án sẽ phải xong các thủ tục hành chính từ tháng 11/2018, bắt đầu tiến hành xây dựng các hạng mục công trình từ năm 2019, chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2021. Tuy nhiên, Dự án triệu USD này vẫn không thể triển khai do hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đang bị “mắc kẹt” tại Tổng Cục môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT)
Theo tìm hiểu, lý do chưa thông qua ĐTM là do Tổng Cục môi trường yêu cầu Công ty TNHH Interweave Holdings làm rõ về sự phù hợp ngành nghề của Dự án đối với ngành nghề được phép đầu tư vào KCN Sông Công II; làm rõ cam kết tổng lượng nước thải phát sinh và yêu cầu thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung vào KCN Sông Công II; đề nghị chủ đầu tư làm việc lại với Ban Quản lý KCN Sông Công II để thực hiện lại đánh giá tác động môi trường chung của cả khu để làm căn cứ xem xét, thẩm định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Interweave Holdings khẳng định, doanh nghiệp đã tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan tới lĩnh vực đầu tư và môi trường. Việc hồ sơ báo cáo tác động môi trường bị “ngâm” tại Tổng Cục môi trường được doanh nghiệp này đánh giá là đang bị gây khó dễ (?).
Dự án có bị cản trở?
Trong một văn bản gửi Tổng Cục môi trường vào cuối năm 2018, Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên (BQLCKCN) khẳng định: Dự án sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Công II là hoàn toàn phù hợp với Báo cáo ĐTM của dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II đã được phê duyệt tại Quyết định 2599 ngày 16/8/2018 của Bộ TN&MT và đảm bảo hoàn toàn đúng với các quy định hiện hành.
Cụ thể, tại mục 1.42, Chương 1 báo cáo ĐTM dự án KCN Sông Công II đã nêu các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, trong đó có “ngành dệt may: Sản xuất sợi, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt; sản xuất hàng dệt khác; sản xuất trang phục”. Căn cứ Nghị định số 111 ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Dự án này là dự án sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và đặc biệt thu hút đầu tư.
Ngoài ra, cũng theo cơ quan này, căn cứ Nghị định số 118 ngày 12/11/2015 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư) thì dự án cũng thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 của Bộ Công Thương...
Liên quan tới khối lượng nước thải và phương thức, vị trí xả thải, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định: Căn cứ các quy định hiện hành Dự án sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam có lưu lượng xả thải khoảng 14.400m3/ngày đêm thì chủ dự án đã cam kết tại hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là tự xử lý nước thải đạt QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cột A với các hệ số Kq=0,9; Kf=0,9. Đồng thời cam kết tự đóng cửa hoạt động của Nhà máy nếu có hoạt động gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng môi trường xung quanh. “Do đó, Dự án sản xuất vải thuộc trường hợp được miễn trừ đấu nối, được phép xả thải trực tiếp ra sông Công là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.
Về yêu cầu của Tổng Cục môi trường đề nghị điều chỉnh bổ sung báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II để làm căn cứ xem xét, thẩm định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Căn cứ Thông tư số 27 ngày 29/5/2015 của Bộ TN&MT, tại khoản 5, Điều 10 quy định ĐTM của dự án KCN Sông Công II không thuộc trường hợp phải lập lại ĐTM và cũng không thuộc trường hợp phải xin phép điều chỉnh ĐTM.
Theo Công ty TNHH Interweave Holdings, hồ sơ về môi trường chưa được thông qua đang khiến dự án bị chậm tiến độ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của Công ty TNHH Interweave Holdings tại Việt Nam.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc này.