Nỗi đau của người phụ nữ
Chị H (ngụ huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đến tòa một mình, xách theo vài chai nước, hộp sữa và mấy chiếc bánh mỳ. Bộ quần áo màu tím nhạt không che giấu được khuôn mặt u buồn của chị. Chị ngồi ở chiếc ghế bên cạnh phòng xử án đợi con, đợi chồng, đợi em gái - những bị cáo trong một vụ buôn bán ma túy. Chiếc xe chở phạm nhân vừa xuất hiện, chị bật dậy, ngơ ngác tìm đứa con mình sau khi đã nhìn thấy chồng và em gái. Chị gọi tên con trong nức nở và đau đớn. Đứa con trai 30 tuổi nhìn thấy mẹ héo hon đã không cầm được nước mắt, nó chỉ kịp ngoái lại bảo: “Mẹ ơi! Con không sao đâu, mẹ giữ gìn sức khỏe nhé...” rồi bị đưa vào phòng xử...
Suốt quá trình xử án, bị cáo Nguyễn Văn Cường (SN 1985) - đứa con trai của chị liên tục kêu oan. Chị ở dưới, cúi mặt xuống, những giọt nước mắt cứ từ từ rơi xuống, không đừng lại được. Đôi mắt chị đỏ hoe. Có lẽ chị đang căm giận người chồng nghiện ngập, tù tội đã đang tâm lôi kéo đứa con ngoan ngoãn của cả 2 người vào con đường lao lý. Chị chỉ ngồi khóc...
Luật sư bào chữa cho Cường phải ra động viên chị. Ông cho biết, Cường vốn là một người ngoan ngoan. Hơn 10 năm qua, từ khi ý thức được việc bố nghiện ngập ma túy, việc đi tù thì cứ “đến hẹn lại lên” nên Cường chịu khó chăm lo nhà cửa, giúp mẹ đồng áng. Cường còn lo lắng, thương mẹ mỗi khi bố ở nhà rượu say, chán đời lại lôi vợ ra đánh để hả cơn, đã nhiều lần Cường lao vào đỡ đòn cho mẹ khiến ông bố càng tức giận hơn.
Biết phải có công việc ổn định để tránh xa ma túy, học hết cấp 2, Cường vay tiền hàng xóm mở cửa hàng kinh doanh nhôm kính. Công việc phát triển tốt, sau vài năm, Cường cũng để dành được một khoản, cộng thêm tiền của mẹ cho, Cường mua chiếc ôtô Matiz hơn 100 triệu để chở khách những lúc nhàn việc, để tránh rỗi rãi, bị bạn bè lôi kéo.
Thấy Cường chăm chỉ làm ăn, ngoan ngoãn lại ý thức tốt, hàng xóm đều quý mến và giới thiệu cho Cường một cô bạn gái. Hai người gặp nhau nhanh chóng cảm tình và quyết định đi đến hôn nhân... Nhưng ngày cưới trước mắt Cường đã tan tành theo đám khói trắng mà bố Cường mang về nhà từ cách đây hơn 10 năm.
Bố đẩy con vào tù tội
Theo cáo trạng, giữa tháng 11/2013, do được Trần Quang Báu thông tin có nguồn hàng ma túy giá rẻ ở Mộc Châu (Sơn La), Nguyễn Văn Bắc đã nhờ Báu mua một bánh hêrôin và 4.000 viên ma túy tổng hợp. Họ thỏa thuận giá 330 triệu đồng. Thống nhất xong, Bắc gọi điện thoại cho con trai là Cường lái xe ôtô chở Báu và người em vợ là Nguyễn Khánh Nguyệt đi Sơn La. Khi đến Vân Hồ (huyện Mộc Châu, Sơn La), Bắc đưa 330 triệu đồng cho Báu rồi bảo Nguyệt đi cùng Báu để giám sát. Cha con Bắc lái xe đi ăn tối. Báu và Nguyệt thuê nhà nghỉ ở Vân Hồ.
Báu bảo Nguyệt vào nhà nghỉ chờ, còn Báu đi gặp đối tượng tên Nam để “giao dịch”, sau đó quay về nhà nghỉ. Khi xong việc, Nguyệt điện thoại cho Bắc thông báo việc đã mua được ma túy. Bắc bảo Nguyệt và Báu thuê taxi về trước còn mình sẽ về sau. Nguyệt và Báu mang theo số ma túy bắt taxi về Hà Nội rồi thuê nhà nghỉ ở quận Cầu Giấy ngủ lại. Sáng hôm sau, trên đường đến Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza, Báu và Nguyệt bị bắt quả tang cùng tang vật. Cường và Bắc cũng bị bắt sau đó.
Quá trình điều tra, bị cáo Bắc khai nhận bản thân bỏ tiền vốn để mua ma túy về bán kiếm lời. Trưa cùng ngày, bị cáo gọi điện cho con trai là Cường lái xe đưa đi Sơn La nhưng không nói rõ mục đích là mua hàng cấm. Bao nhiêu lần tù tội, hẳn Bắc biết, chỉ với việc lái xe đưa đi mua hàng cấm, con trai hắn cũng có thể đối mặt với án tử hình nhưng vì mờ mắt trước nguồn hàng rẻ, hắn đã đẩy đứa con mình phải nhận mức án 16 năm tù giam.
Buổi trưa định mệnh ấy, Cường đang làm nhôm kính để trả cho khách vì đã sắp đến ngày hẹn. Khi Bắc vừa nghe được tin tìm được mối “hàng” tốt, rẻ ở Sơn La đã một mực bắt con trai phải chở đi lấy hàng. Cường từ chối và bảo bố tự lấy xe đi nhưng Bắc lấy lý do “bị mất bằng lái”, gần như ép Cường phải ngay lập tức lái xe đưa bố và dì ruột là Nguyệt đi Sơn La luôn. Cậu trai đâu nghĩ rằng mình phạm tội, cậu chỉ nghĩ rằng, mình chở họ đi, họ làm gì là việc của họ, còn mình chỉ lái xe...
Nhưng không ngờ, khi dì bị bắt ở Hà Nội, Cường và Bắc cũng bị bắt bằng lệnh bắt khẩn cấp sau đó ít ngày. Cường không ngờ “chỉ mỗi lái xe đi” mà cậu phải đối mặt với mức án tử hình... Người mẹ nghe tin gần như ngất lên ngất xuống. Cả nhà dính vào ma túy, còn mỗi Cường thoát được cái chết trắng thì lại mang tội buôn bán oan nghiệt...
Bị cáo Nguyễn Văn Bắc vốn là một đối tượng “có số má” ở các trại giam và quê nhà Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Năm 1999, Bắc bị TAND tỉnh Thái Nguyên xử 5 năm 6 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Năm 2004, Bắc tiếp tục phạm tội, bị TAND tỉnh Bắc Kạn xử 7 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Hai lần tù tội không khiến Bắc ăn năn, hối cải, cũng không biết thương vợ con mà càng tỏ ra lì lợm trước pháp luật.
Phiên xử lần này, bị cáo Bắc liên tục kêu oan, rằng “bị cáo không biết, bị cáo được Báu rủ đi, bị cáo chỉ biết được là đi chơi nhưng không hỏi rõ là đi đâu” nhưng khi HĐXX công bố những tin nhắn giữa Bắc và Báu về thông tin đã nhận đủ hàng thì bị cáo mới im lặng.
Tương tự, em vợ của Bắc - bị cáo Nguyễn Khánh Nguyệt cũng một mực kêu oan. Chỉ đến khi HĐXX công bố tin nhắn giữa Nguyệt và Báu và lời cảnh cáo của HĐXX “đừng nghĩ Báu chết rồi mà đổ hết tội lên đầu Báu” thì thị mới cúi đầu nhận tội. Trước đấy, Nguyệt cũng bị TAND TP.Thái Nguyên xử 30 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cũng là con nghiện ma túy nên Nguyệt rất thân với anh rể. Sau khi ra tù, ngày ngày, Nguyệt thường mò sang nhà anh rể để hút hít nên được anh rủ đi cùng là thị... “lên đường” luôn với mức án 20 năm tù giam, còn anh rể của thị nhận án chung thân.
Một cái kết xứng đáng cho những kẻ gieo rắc cái chết trắng, chỉ thương người đàn xấu số, phải đối mặt với quá nhiều bản án cho những người thân ruột thịt gần gũi nhất của chị. Và chị sẽ phải sống như thế nào với mức án 16 năm tù giam đã đổ ập xuống đầu đứa con trai ngoan ngoãn của chị...