Thái Lan ủng hộ hợp pháp hóa thuốc lá điện tử
Tháng 5/2022, Thái Lan sẽ là nước Đông Nam Á tiếp theo chuẩn bị hợp pháp hóa chiến lược giảm tác hại thuốc lá vào chính sách quốc gia. Ông Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan cho biết, Bộ của ông ủng hộ việc sử dụng công nghệ mới và đây là một “lựa chọn an toàn hơn” cho những người không thể cai thuốc lá. Mặt khác, việc cho phép bán thuốc lá điện tử một cách hợp pháp sẽ tạo ra nhiều thuế hơn cho Chính phủ Thái Lan và đặt ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp này.
“Cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử không phải là giải pháp tốt nhất cho đất nước trong bối cảnh xã hội hiện nay”, ông Chaiwut khẳng định.
Không chỉ có Thái Lan mà cả Philippines cũng đang chuẩn bị ban hành luật để quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm không khói khác có hàm lượng các chất độc hại ít hơn so với thuốc lá điếu. Theo đó, ông Joey Dulay, Chủ tịch Hiệp hội Ngành công nghiệp thuốc lá điện tử Philippines (PECIA) cho biết, những quy định phù hợp và công bằng sẽ cho phép ngành công nghiệp thuốc lá điện tử đáp ứng các tiêu chuẩn của Chính phủ, từ đó hạn chế sự phát triển của thị trường chợ đen trốn thuế.
Trước đó, Trung Quốc, thị trường thuốc lá điện tử lớn nhất toàn cầu đã cũng đã chính thức đưa thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vào Luật độc quyền ngành thuốc lá hiện hành. Hành động này của Chính phủ Trung Quốc đã chính thức khép lại thời kỳ nằm ngoài vòng pháp luật của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới kể từ khi ngành hàng này trở nên phổ biến rộng rãi và đem lại nguồn lợi kinh doanh lớn cho thị trường tiêu thụ thuốc lá đứng nhất nhì toàn cầu này.
Tại Thái Lan, hút thuốc lá đang gây ra tử vong cho khoảng 50.000 người mỗi năm, thế nhưng 52% trong số họ không nghĩ đến việc bỏ thuốc lá.
Con số này cũng phản ánh đúng thực trạng tổng số người cai thành công thuốc lá trên toàn cầu trong 5 năm qua hầu như không thay đổi. Có chưa tới 1/3 số quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến sẽ giảm được 30% tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành theo mục tiêu năm 2030. Con số này ở Việt Nam còn thấp hơn, theo báo cáo GATS 2020, chỉ có 0,8% số người hút thuốc có thể bỏ thuốc.
Để giải quyết vấn đề toàn cầu này, nghiên cứu khoa học ở 70 quốc gia phát triển bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy thuốc lá điện tử là giải pháp thay thế an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường. Tại một số quốc gia, việc thương mại những sản phẩm này thậm chí còn được hỗ trợ bởi Chính phủ.
Trong nước: Bộ, ngành khẳng định phải quản lý
Đánh giá về quyết định sắp tới của Chính phủ Thái Lan, Clarisse Virgino, đại diện Philippines tại Liên minh những Người ủng hộ Giảm thiểu Tác hại Thuốc lá ở châu Á Thái Bình Dương (CAPHRA) cho biết: “Chúng tôi mong đợi thêm nhiều quốc gia Đông Nam Á sẽ đi theo sau Philippines và Thái Lan để ủng hộ và đưa chiến lược giảm thiểu tác hại thuốc lá vào chiến lược y tế công cộng hiệu quả nhất nhằm giải quyết vấn đề hút thuốc lá”.
Theo báo cáo tháng 7/2021 của WHO, trong số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của tổ chức này, đã có 184 nước quản lý thuốc lá làm nóng.
Đối với các sản phẩm hóa hơi như thuốc lá điện tử, hiện nay có 79 nước có biện pháp quản lý với mức độ khác nhau, 84 nước không cấm hoặc chưa có biện pháp quản lý cụ thể.
Đại diện các bộ, ngành tại tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới”. |
Trong khi đó tại Việt Nam, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đã có mặt thực tế trên thị trường nhiều năm qua và được Chính phủ kêu gọi quản lý, kiểm soát ngay từ năm 2017. Các bộ, ban, ngành liên quan cũng đã nhất trí cần phải có các biện pháp quản lý sản phẩm này thay vì cấm hoặc buông lỏng.
Phát biểu tại Tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới” tháng 1 năm nay, ông Vũ Đức Nam, Phó Phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, quản lý TLTHM là cần thiết, cần có các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý.
Trong khi đó, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần sớm có cơ chế quản lý đối với mặt hàng này, hoặc cấm hoặc cho phép thương mại. Tuy nhiên, ông Nhưỡng khẳng định, trước nhu cầu thực tế của xã hội, cần quản lý chứ không thể cấm đoán, bởi cấm chỉ là phương pháp nửa vời.
Ông Lê Thành Hưng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn Chất lượng Nông nghiệp - Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) cũng đánh giá, pháp luật cần điều chỉnh theo kịp các hiện tượng xuất hiện trong đời sống kinh tế-xã hội, vì vậy cần có một khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này.
Đến nay, WHO vẫn đang tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khoa học, dịch tễ học toàn diện đối với thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử. Tuy nhiên không vì chờ đợi kết quả nghiên cứu dịch tễ, thường kéo dài vài chục năm, mà trì hoãn việc quản lý, kiểm soát ngành hàng đang ngày càng phổ biến này. Từ năm 2018, WHO đã khuyến cáo các quốc gia cần có chính sách và biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá làm nóng theo pháp luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của nước sở tại, căn cứ các điều trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Trong báo cáo năm 2021, WHO cũng khuyến cáo rằng các sản phẩm mới, kể cả thuốc lá điện tử, cần được đưa vào phương pháp tiếp cận toàn diện để kiểm soát thuốc lá.