Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 công tác Quy hoạch tỉnh Thái Bình đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023.
Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Thái Bình nhất quán quan điểm Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với chiến lược, tầm nhìn phát triển của đất nước; các chủ trương, nghị quyết của Đảng; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025.".
Kiên định mục tiêu đã đề ra, Thái Bình xác định việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi, kết hợp giữa các nhiệm vụ ngắn hạn và dài hạn nhằm phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, đồng bộ trên cả ba phương diện Kinh tế - Văn hóa - Xã hội là nhiệm vụ mang tính chiến lược. Lấy phát triển kinh tế công nghiệp và kinh tế đô thị làm “động lực” để thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp và các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển công nghệ số và thành tựu cuộc cách mạng 4.0.
Thái Bình đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng. |
Phát triển xã hội hiện đại, văn minh, thân thiện, hài hòa, lấy con người làm trung tâm; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và phát triển con người, đầu tư cho phát triển văn hóa phải đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo công bằng xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và văn hóa.
Xây dựng và quản lý đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng. Khai thác tối ưu kết cấu hạ tầng hiện có; phát triển, mở rộng mạng lưới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Đặc biệt, ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá; các tuyến kết nối đến vùng kinh tế phía Tây Bắc, Đông Bắc, Đông Nam tỉnh, Khu kinh tế Thái Bình, các khu công nghiệp, Khu du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh mới, rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh trong khu vực.
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường; gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế”.
Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển văn hoá xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là mục tiêu hướng tới của tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030 vươn lên nhóm phát triển khá, đến năm 2050 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.