Xuất phát bởi thực tế từ trước tới nay, trụ sở làm việc Trung tâm vận chuyển Cấp cứu 115 chưa được xây dựng riêng biệt, độc lập mà vẫn phải vận hành chung với khu đất dành cho Bệnh viện Phụ sản khá chật hẹp, bí bách.
Mặt khác, lãnh đạo trung tâm thời kỳ trước muốn mở rộng quy mô hoạt động của trung tâm theo mô hình bác sỹ gia đình, khám chữa sơ cứu nâng cao cho các đối tượng bệnh nhân trước khi chuyển bệnh nhân đến các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên sâu khác, nên đã tham mưu cho lãnh đạo ngành y tế Thái Bình tiến hành lập đề án trình UBND tỉnh Thái Bình, các sở, ban, ngành có liên quan để xin chấp thuận phương án đầu tư xây dựng Công trình Trung tâm vận chuyển Cấp cứu 115 mới, riêng biệt, độc lập với quy mô ban đầu 20 giường bệnh, bao gồm thêm cả phòng khám đa khoa và bác sỹ gia đình.
Dậu, tường bao của công trình chưa được xây dựng kiên cố mà mới chỉ được vây, rào tạm lại bằng thân cây, tre khô |
Công trình Trung tâm vận chuyển Cấp cứu 115 Thái Bình xây mới theo tính toán ban đầu sẽ nằm trong quy hoạch quần thể Khu Trung tâm Y tế tỉnh Thái Bình (toạ lạc tại phường Trần Lãm và xã Vũ Phúc, TP Thái Bình) cùng với một loạt công trình khác như Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản An Đức, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lão khoa.
Sau khi UBND tỉnh Thái Bình đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2367/QĐ-UBND ngày 30/10/2013, lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 và ngành y tế Thái Bình cùng các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục hoàn thiện đề án trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời báo cáo Bộ Y tế để xin nguồn vốn hỗ trợ xây dựng từ ngân sách trung ương.
Theo tìm hiểu, năm 2013, với khoảng 30 tỷ đồng rót từ vốn ngân sách trung ương, hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh và các nguồn vốn khác, Công trình Trung tâm vận chuyển Cấp cứu 115 Thái Bình mới (giai đoạn 1) chính thức được khởi công trên nền 14.000 m2 đất thuộc phạm vi diện tích quy hoạch Khu Trung tâm Y tế tỉnh Thái Bình. Công trình do nhà thầu Xí nghiệp 19 - Chi nhánh Công ty TNHH MTV Duyên Hải đảm nhiệm thi công, đến nửa cuối năm 2016 thì cơ bản hoàn thiện và tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư.
Theo tài liệu PV thu thập được, dự án đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt quyết toán dự án đã hoàn thành tại Quyết định số 2162/QĐ-UBND ngày 14/8/2017, với chi phí đầu tư được quyết toán là 38.988, 152 triệu đồng, kế hoạch vốn đã bố trí thanh toán đến hết năm 2018 là 32.465 triệu đồng, nợ xây dựng cơ bản tính đến ngày 30/6/2019 là 6.523, 152 triệu đồng.
Phía bên ngoài công trình cây cỏ mọc um tùm, tươi tốt. |
Những tưởng sau khi nhà thầu bàn giao công trình, cán bộ, nhân viên, người lao động tại Trung tâm vận chuyển Cấp cứu 115 Thái Bình sẽ được chuyển về "nhà mới" theo đúng kế hoạch phục vụ công tác đã đề ra trước đó, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà cho đến thời điểm hiện tại, tức gần tròn 3 năm nghiệm thu, công trình hoành tráng này vẫn "đắp chiếu" nằm im, để hoang phí, gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn ngân sách lớn.
"Nửa cuối năm 2016, trong các cuộc họp giao ban cơ quan chúng tôi đã được lãnh đạo trung tâm phổ biến về việc chuẩn bị chuyển toàn bộ cơ sở vật chất cũng như cán bộ nhân viên ra trụ sở mới để hoạt động.
Thế nhưng từ khi giám đốc trung tâm cũ chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải và giám đốc mới là ông Nguyễn Văn Ngãi về kế nhiệm thì gần như không thấy ai đả động đến chuyện này nữa", một cán bộ lái xe công tác lâu năm tại Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình, cho biết.
Theo ghi nhận của PV báo Pháp luật Việt Nam, Công trình Trung tâm vận chuyển Cấp cứu 115 Thái Bình mới rất khang trang, bề thế với 6 tầng, nhiều phòng, khoa, toạ lạc tại vị trí đắc địa thuộc phạm vi diện tích quy hoạch Khu Trung tâm Y tế tỉnh Thái Bình.
Dậu, tường bao của công trình chưa được xây dựng kiên cố mà mới chỉ được vây, rào tạm lại bằng thân cây, tre khô, phía bên ngoài cây cỏ mọc um tùm, hàng ngày chỉ có một người mặc sắc phục bảo vệ đến trông nom.
Một nguồn tin đề nghị giấu tên cho biết thêm, ý tưởng mở rộng quy mô hoạt động của Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình theo mô hình bác sỹ gia đình, khám chữa sơ cứu nâng cao cho các đối tượng bệnh nhân trước khi chuyển bệnh nhân đến các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên sâu khác đã không được lãnh đạo trung tâm thời kỳ sau kế thừa, phát triển "đến đầu, đến đũa", nên Sở Y tế Thái Bình đành phải đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chấp nhận cho nội bộ ngành bố trí sắp xếp, chuyển sang thực hiện "phương án 2".
Vậy "phương án 2" ở đây là gì, tại sao chưa thể thực hiện? UBND tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình, lãnh đạo Trung tâm vận chuyển Cấp cứu 115 Thái Bình giải thích ra sao về câu chuyện đã và đang để lãng phí công trình đầu tư xây dựng hàng nhiều chục tỷ đồng này?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!