Đó là một trong những nội dung được thông qua trong cuộc họp triển khai một số nhiệm vụ cấp bách nhằm phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (Covid-19) tỉnh Thái Bình diễn ra sáng qua - 29/3.
Theo báo cáo của ngành Y tế Thái Bình, trong các ngày 27 - 28/3, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận thêm những trường hợp mới có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao. Đây là những người có thời gian điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 20/3 hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 169, làm việc tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai (quê huyện Hưng Hà). Hiện tại, những trường hợp này đã được cách ly và đang được theo dõi sức khỏe.
Ông Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình thống nhất phát miễn phí khẩu trang cho các hộ nghèo, bình quân 4 khẩu trang/hộ.
Dự kiến phát khoảng 70.000 khẩu trang cho tất cả hộ nghèo trong toàn tỉnh.
Sau khi nghe báo cáo, đề xuất, kiến nghị từ các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ngành, ông Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, đây là thời điểm quyết định thắng lợi đối với công tác phòng, chống dịch.
Ông Thăng yêu cầu ngành Y tế tham mưu ngay cho Ban Chỉ đạo tỉnh có văn bản chỉ đạo cụ thể với những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai gồm: bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người đến khám, người đến thăm và cán bộ y tế, sinh viên tập huấn, thực tập tại bệnh viện. Trên cơ sở đó, có biện pháp chỉ đạo cụ thể cho từng trường hợp cũng như nêu rõ trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị liên quan.
Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh Thái Bình yêu cầu đến ngày 31/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phải đưa máy xét nghiệm đi vào hoạt động để bảo đảm những người nghi nhiễm Covid-19 đều được xét nghiệm, phát hiện sớm phục vụ cho hoạt động khoanh vùng ổ dịch, cách ly, điều trị.
Đồng thời giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi đề xuất việc mua sắm các phương tiện, vật tư thiết yếu khác nhằm hỗ trợ tối đa các điều kiện, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tham gia phục vụ phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị giảm 80% lượng xe, lượt xe vận chuyển liên tỉnh; trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Thái Bình nghiên cứu, tham mưu việc dừng các phương tiện vận tải lên Hà Nội.
Yêu cầu giảm 50% số chuyến xe bus; giảm 50% số lượng xe taxi hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh. Đối với xe khách, xe bus, xe taxi giảm 50% lượng hành khách trên xe. Xe khách, xe bus chở không quá 20 người.
Đối với xe hợp đồng, Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, tham mưu, trước mắt thực hiện không chở quá 50% lượng hành khách và không quá 20 người/xe. Hạn chế tối đa xe vận chuyển về Hà Nội.
Các phương tiện vận tải trên phải đảm bảo an toàn phòng dịch, mở cửa kính, không bật điều hòa, lái xe, phụ xe, người đi trên xe phải đeo khẩu trang; khuyến khích việc kiểm tra thân nhiệt với hành khách trên xe. Những xe đi từ tỉnh có dịch về phải được khử khuẩn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Sở Công Thương xây dựng kịch bản cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho 1 xã, khu phố bị cách ly; 1 -2 huyện, thành phố bị cách ly và tình huống dịch bùng phát trên phạm vi toàn tỉnh.
Chủ tich UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố về việc không tụ tập ăn uống và tổ chức một số hoạt động khác trong ngày lễ tết, thanh minh.
Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo có quyết định tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh; khuyến khích giao dịch thương mại điện tử, giao hàng tại nhà; yêu cầu các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.