“Chây ỳ” thực hiện quyết định xử phạt
Vừa qua, Báo PLVN có bài phản ánh về tình trạng hàng nghìn hộ dân ở Thái Bình phải dùng nước sinh hoạt “trộn” nước thải của trạm trộn bê tông Xuân Chuyền? Báo PLVN tiếp tục nhận được thông tin các hạng mục công trình của Cty Xuân Chuyền “mọc” trái phép trên hành lang bảo vệ đê sông Hồng Hà II thuộc địa giới hành chính xã Minh Tân, huyện Kiến Xương.
Một số người dân cho biết đã nhiều lần kiến nghị tới chính quyền địa phương nhưng không hiểu tại sao công trình vẫn được phép xây dựng và ngang nhiên tồn tại suốt mười năm qua. Dư luận hoài nghi có thế lực “chống lưng” cho doanh nghiệp làm liều?
Theo ghi nhận của PV, hiện tại trên diện tích đất đê gần mép sông đã “mọc lên” một dãy nhà hai tầng được đổ bê tông cốt thép kiên cố và khu nhà xưởng có diện tích lớn. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn sử dụng xe bồn chở bê tông thương phẩm có trọng tải vượt quá mức cho phép khiến mặt đê bị sụt lún. Việc xây dựng trái phép các hạng mục công trình và sử dụng xe quá tải trọng đi trên đê bị cho là vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai.
Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình đã phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và có báo cáo kiến nghị xử lý. Cụ thể, theo Quyết định số 90/QĐ-XPVPHC ngày 28/12/2017 của Chi cục Thủy lợi xử phạt Cty Xuân Chuyền 160 triệu đồng và buộc đơn vị này thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay việc vi phạm trên vẫn chưa được xử lý, doanh nghiệp vẫn “chây ỳ” không thực hiện.
Cho thuê đất trái thẩm quyền
Ông Phan Văn Vượng, Phó Chủ tịch xã Minh Tân cho biết, xã cho doanh nghiệp Xuân Chuyền thuê 3.697m2 đất để làm bến bãi trung chuyển từ năm 2008. Thời gian xã cho Cty thuê đất từ năm 2008 đến năm 2017, sau đó huyện cho thuê.
Ngày 20/5/2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương ký Hợp đồng số 07/HĐ- TNMT cho cá nhân là bà Đặng Thị Xuân thuê 2.030,6m2 đất hành lang đê thời hạn 49 năm để làm bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất bê tông.
Theo người dân, việc ký hợp đồng cho thuê đất hành lang đê dài hạn là vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều; Hợp đồng cho cá nhân là bà Xuân thuê đất nhưng thực tế Cty Xuân Chuyền lại sử dụng và việc UBND cấp xã, huyện cho thuê đất đối với tập thể là sai quy định Luật đất đai 2013.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Việt Hùng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương khẳng định, Phòng được ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện cho thuê đất không quá năm mươi năm đối với cá nhân. Khi được hỏi vì sao hợp đồng cho cá nhân thuê đất nhưng doanh nghiệp lại sử dụng? Ông Hùng cho biết hồ sơ thuê đất của Cty Xuân Chuyền, Phòng cũng đang rà soát và chưa thể cung cấp thông tin.
Được biết trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình có công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc cho thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng quy định. Yêu cầu chấp hành nghiêm việc giải tỏa theo lộ trình đã được quy định. Trường hợp cố tình không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế, đình chỉ thu hồi những văn bản, hợp đồng cấp phép sai thẩm quyền cho sử dụng bãi, đình chỉ hoạt động và giải tỏa theo quy định đối với các bến bãi không nằm trong quy hoạch, thời hạn hoàn thành trước ngày 31/3/2018.
Theo đó, ngày 4/5/2018, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương có Công văn số 248/UBND-NN yêu cầu Cty Xuân Chuyền dừng ngay việc xây dựng các công trình vi phạm, tự tháo dỡ hoàn trả lại hiện trạng cho công trình đê điều và ngoài bãi sông như hiện trạng ban đầu. Nếu doanh nghiệp không tự giác thực hiện thì tổ chức cưỡng chế thu dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép, báo cáo UBND huyện trước ngày 15/5/2018.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.