Theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2017, các cơ quan THADS thành phố đã thụ lý 2.623 việc (chiếm 3,03% tổng số việc thi hành án) liên quan đến các tổ chức tín dụng. Trong đó, số có điều kiện thi hành án là 2.184 việc, chiếm 83,26% tổng số thụ lý; số chưa có điều kiện là 439 việc. Đã giải quyết xong 359 việc, chiếm 13,68% trên tổng số có điều kiện thi hành. Tổng số tiền đã thụ lý hơn 42,8 tỷ đồng (chiếm 59% tổng số tiền thi hành án). Trong đó, có hơn 39,7 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đã thi hành xong trên 11,4 tỷ đồng chiếm 28,82% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành.
Trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin của hai cơ quan Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP HCM và Cục THADS TP HCM theo Quy chế số 13083/CNNHNNVN-CTHADS đã đạt được kết quả tốt, tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ chung của 2 đơn vị và được ghi nhận bằng kết quả cụ thể trong số liệu 9 tháng đầu năm. Các cơ quan THADS trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu góp phần giải quyết những vụ việc phức tạp, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ hiệu quả cho tổ chức tín dụng; có phản hồi tích cực của các tổ chức tín dụng về công tác phối hợp với các Chi cục THADS trên địa bàn, về thái độ và tinh thần trách nhiệm và hỗ trợ của các Chi cục THADS đối với những vụ việc có liên quan đến tổ chức tín dụng góp phần đẩy nhanh tiến độ THADS trên địa bàn.
Tuy nhiên, kết quả công tác THADS liên quan đến các tổ chức tín dụng 9 tháng đầu năm 2017 là còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của xã hội nói chung và của các tổ chức tín dụng nói riêng. Điều này không phải do công tác phối hợp giữa các tổ chức tín dụng với cơ quan THADS chưa tốt, mà nó có các nguyên nhân từ các vấn đề thực tiễn khác.
Về thực trạng kết quả đạt được thấp, lãnh đạo các cơ quan THADS cũng đưa ra một số nguyên nhân khách quan. Cụ thể, hầu hết những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản có giá trị lớn. Trong khi đó tâm lý của người dân vẫn còn e ngại đối với việc mua tài sản thi hành án thông qua tổ chức bán đấu giá. Do vậy, tình trạng tài sản kê biên xử lý đảm bảo thi hành án bán đấu giá không có người mua, tài sản phải giảm giá nhiều lần, có những tài sản phải giảm giá đến 1/3, thậm chí là giảm đến 1/2 mới bán được dẫn đến việc thi hành án phải kéo dài.
Trình tự, thủ tục xử lý tài sản (nhất là thủ tục xử lý bất động sản) còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giải quyết thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Bên cạnh đó, pháp luật về thi hành án vẫn còn một số quy định chung chung, không rõ ràng tạo điều kiện cho người phải thi hành án lợi dụng trốn tránh, kéo dài thời gian thi hành án. Một số trường hợp hiện trạng tài sản thế chấp không phù hợp, có sai lệch nhiều về diện tích giữa thực tế so với giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng gây khó khăn cho việc xác minh xử lý tài sản.
Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, cũng không loại trừ một số nguyên nhân chủ quan của chấp hành viên, lãnh đạo các cơ quan THADS, cũng như mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan hữu quan như kéo dài việc thi hành án thông qua thủ tục đo vẽ – kê biên – thẩm định giá – bán đấu giá tài sản; chậm tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản theo đúng hợp đồng bán đấu giá tài sản cho người trúng đấu giá, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của ngân hàng; việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án và các cơ quan, ban, ngành liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm chưa kịp thời.
Cũng tại Hội nghị giao ban, lãnh đạo hai đơn vị mong muốn hai bên phát huy kết quả trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác THADS. Thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng với thi hành án nhằm đẩy nhanh tiến trình xử lý, sớm giải quyết các yêu cầu thỏa đáng giữa các bên, giảm thiểu thiệt hại cho ngân hàng.