Nếu trong thời gian tới không có sửa đổi hiến pháp ở nước Nga thì sau hai nhiệm kỳ cầm quyền liên tục, ông Putin không thể ứng cử tổng thống luôn được nữa. Và vì thế chuyện sắp xếp người kế nhiệm để tiếp tục di sản chính trị của mình là một trong những công việc lớn và quan trọng của ông Putin trong 6 năm cầm quyền tới.
Sau 3 nhiệm kỳ tổng thống và một nhiệm kỳ thủ tướng mà vẫn đắc cử tổng thống lần thứ tư, lại còn với kết quả bầu cử cao nhất - như thế đủ để thấy vị thế quyền lực của ông Putin ở nước Nga hiện vững chãi như thế nào. Với nền tảng quyền lực như thế, ông Putin không có lý do gì và sự bức bách nào phải thay đổi cơ bản đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nga cho thời kỳ tới. Có chăng thì chỉ ở thứ tự ưu tiên và mức độ.
Cho nên không có gì là khó hiểu khi ông Putin ở nhiệm kỳ cầm quyền này coi trọng hơn chuyện đối nội, cụ thể là tăng cường phát triển kinh tế xã hội, cải thiện điều kiện và mức độ cuộc sống cho người dân và củng cố vai trò, ảnh hưởng chính trị thế giới.
Nhiệm kỳ cầm quyền trước đó rất khó khăn đối với ông Putin vì giá dầu lửa giảm trên thị trường thế giới, vì nước Nga bị các nước Phương Tây trừng phạt về kinh tế, tài chính và thương mại cũng như vì sự can thiệp quân sự của Nga vào chiến tranh và nội chiến ở Syria. Những khó khăn và thách thức này sẽ vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.
Vì thế, thách thức đối với quyền lực của ông Putin trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ 4 này vẫn rất lớn. Nước Nga sẽ tiếp tục như lâu nay chứ không có đột biến mới cả về đối ngoại lẫn đối nội, ít nhất thì cũng trong thời gian tới?.