Khó kiểm soát
Tại Hội thảo, Đại tá - PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (ANM& PCTPCNC) - Bộ Công an cho biết, Việt Nam đang là 1 trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao trên thế giới với khoảng 64 triệu người sử dụng, chiếm 67% dân số.
Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có người dùng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Bên cạnh những thông tin tích cực hàng ngày, người sử dụng internet ở Việt Nam nhất là thế hệ thanh niên, học sinh thậm chí là trẻ em đang bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin có hình ảnh bạo lực, kích động chưa được kiểm duyệt hàng ngày “có mức ảnh hưởng nguy hại” đến sự phát triển và hình thành nhân cách. Những hình ảnh đó được phát tán tự do trên không gian mạng như hiện tượng Khá “Bảnh”, Phúc “XO”... thời gian qua.
Mặc dù pháp lý hiện hành đã có nhiều quy định về chuyển tải thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không thể kiểm soát được 100% nội dung thông tin trên các trang mạng xã hội. “Người dân cần nâng cao sự hiểu biết, nhìn nhận, khi phát hiện các hình ảnh, clip có nội dung bạo lực, gây nguy hại đến con em mình, tới an ninh xã hội thì nên báo cho chúng tôi biết”- Đại tá-PGS.TS Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, hiện vấn nạn tin giả đang rất phức tạp, những tin giả được lan truyền trên mạng xã hội mang tính cá nhân, thiếu kiểm chứng, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang cho dân chúng và sự đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia như: vụ việc máy bay rơi tại sân bay Nội Bài năm 2017, bắt chó thả rông ở TP HCM để cho sư tử ăn…
Một nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội khác được cảnh báo đang diễn ra trên không gian mạng là hoạt động lôi kéo người tham gia kinh doanh đa cấp. Nếu như trước đây, hoạt động đa cấp chỉ có đến ngàn người tham gia, nhưng gần đây đã phát hiện có đường dây đa cấp mới hoạt động trên mạng chưa đến 6 tháng nhưng số lượng người tham gia đã lên tới hàng chục ngàn người.“Theo đơn tố cáo, số tiền họ đóng góp vào đường dây này là khoảng 15.000 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan khác để điều tra”, Đại tá Tuấn cho hay.
Theo đánh giá của Cục ANM & PCTPCNC, vấn đề tấn công mạng cũng đang là vấn đề nhức nhối, ngày càng ở mức độ cao. Trong năm 2018, đã phát hiện hơn 4.000 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia bị tấn công, xâm nhập. Hoạt động sử dụng mã độc, tống tiền, tấn công vào các cơ quan tổ chức của Nhà nước ngày càng ra tăng, thông tin tài khoản trên internet không được bảo vệ, thời gian qua có 427.446 tài khoản người dùng facebook ở Việt Nam bị lộ (đứng thứ 9 trên thế giới); 135.000 máy tính bị ảnh hưởng bởi mã độc; 60.000 máy tính nhiễm độc…
Cần lập trung tâm chia sẻ thông tin khu vực
Để tránh trường hợp xấu liên quan tới an ninh mạng, theo đại diện Cục ANM & PCTPCNC, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đảm bảo an ninh quốc gia, tập trung xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật An ninh mạng, cụ thể hóa Luật An ninh mạng, an toàn thông tin… Cần nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật làm sao hạn chế tối đa những tác hại trên không gian mạng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngay trong năm 2019, cần phải tạo ra được một thị trường an ninh mạng tại Việt Nam. Muốn làm được điều này, các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu phải giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng, đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của Chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, giúp các hệ thống này có khả năng phục hồi khi bị tấn công.
Giải pháp đưa ra là mỗi cơ quan phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Mục tiêu là trong năm 2019, không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng tuyên bố về việc thành lập một trung tâm (Hub) chia sẻ thông tin trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng của khu vực ASEAN tại Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về an toàn, an ninh mạng.