Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan
Một hôm, có một đệ tử hỏi sư phụ: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại. Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”. Vị sư phụ đáp: “Con hãy ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ”
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ rồi thưa sư phụ. Thật nhẹ cả người. Coi như xong”. Sư phụ đáp: “Chưa xong đâu, con hãy về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ”. Người đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ, thì… nhưng thôi được, nghe lời sư phụ con sẽ cố làm”.
Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt rất vui vẻ, khoe với sư phụ là đã có thể thương những người mà trước đây từng đối xử tệ bạc với mình. Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, biết ơn họ. Bởi nếu không có họ thì con đâu có cơ hội đề cao tâm tính như vậy”.
Người đệ tử trở lại, lần này tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: “Con đã biết ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ”. Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã làm đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ!”.
Tâm tha thứ của Quan âm Thị Kính
“Quan âm Thị Kính” là một câu chuyện cảm động về một phụ nữ gặp nhiều nghịch duyên oan trái nhưng vẫn kiên tâm nhẫn nhục, tha thứ cho người, giữ tròn đạo hạnh để tu hành theo Phật pháp cho đến khi đắc đạo, trở thành một vị Bồ Tát linh thiêng huyền nhiệm.
Tương truyền, Thị Kính nguyên kiếp trước là đàn ông, tu hành đắc đạo sắp thành Phật; nhưng Phật Thích Ca muốn thử lòng, mới bắt đầu thai xuống làm một cô gái nghèo nhà họ Mãng, chịu nhiều cảnh oan khổ để xem sao. Lớn lên, Thị Kính lấy chồng học trò tên là Sùng Thiện Sĩ.
Một đêm chồng học quá khuya, ngủ thiếp đi, vợ ngồi khâu bên cạnh, thấy một sợi râu mọc ngược, sẵn có dao cầm tay nên toan cắt đi. Chồng giật mình tỉnh dậy, tưởng vợ có bụng hại mình, liền hô hoán lên. Cha mẹ chồng chạy tới, một mực gán cho Thị Kính tội mưu sát chồng.Nàng bị đuổi về nhà cha mẹ đẻ, vì quá buồn tủi, Thị Kính bèn giả trai đến tu ở chùa Vân (Vân tự), được đặt pháp danh là Kính Tâm.
Trong vùng có Thị Mầu, con gái phú ông, vốn tính lẳng lơ đa tình. Cô này lên chùa thấy chú tiểu Kính Tâm liền đem lòng say đắm. Bị Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo, nhưng trước sau Kính Tâm vẫn làm ngơ cự tuyệt. Không nén được lòng ham muốn, Thị Mầu có mang với người đầy tớ. Bị hào lý trong làng tra hỏi, Thị Mầu đổ tội cho Kính Tâm. Vì thế Kính Tâm bị sư cụ phạt, đuổi ra khỏi tam quan.
Đến ngày chuyển dạ Thị Mầu sinh một con trai, bèn đem "trả" cho Kính Tâm nuôi dưỡng. Được ba năm đứa bé đã khôn lớn, thì Kính Tâm mắc bệnh nặng vì lao lực rồi mất. Trước khi qua đời, Kính Tâm có viết một bức thư để lại cho cha mẹ và đứa bé con của Thị Mầu.
Xem tâm thư của tiểu Kính Tâm để lại, người nhà mới biết tội mưu giết chồng là oan ức. Khi liệm thi hài, sư, vãi trong chùa mới rõ Kính Tâm là phụ nữ. Vậy là cả hai nỗi oan đều được tháo gỡ. Sau đức Phật Thích Ca xét Kính Tâm quả là người tu hành đắc đạo, cho bà được siêu thăng làm Phật Quan âm.
Câu chuyện Quan âm Thị Kính không còn xa lạ với mỗi người Việt. Trong đó không chỉ hàm chứa sự nhẫn nhịn, chịu đựng mà cao cả hơn chính là tâm tha thứ, tâm từ bi của Thị Kính. Nhờ có tâm tha thứ mà Thị Kính bao dung với gia đình bên chồng, chịu nỗi oan khiên. Nhờ tâm tha thứ mà Thị Kính tha thứ cho Thị Mầu. Bị vu tội oan ức khó bày tỏ, Kính Tâm đã bằng tâm từ bi, tha thứ của người xuất gia mà nhận lấy sự trừng phạt của làng, cũng như gánh chịu bao lời đàm tiếu nhục mạ, nuôi dạy con người ta lớn khôn.
Lấy oán trả oán, oán hận chất chồng
Bị người khác gây tổn thương đương nhiên không phải là một cảm giác dễ chịu gì. Nhưng trên đời có ai mà chưa từng chịu tổn thương đây? Có câu “Nhân vô thập toàn“, con người không ai có thể mười phần hoàn hảo, ai cũng có lúc mắc sai lầm. Khi không thể bao dung cho người khác, bạn cũng đừng mong cầu nhận được sự vị tha từ họ.
Có ai dám chắc cả đời mình không từng phạm lỗi, vấp ngã không? Vả chăng khi tha thứ cho kẻ thù của mình cũng chính là bạn đang tự cởi sợi dây trói buộc trong lòng mình vậy. Tâm oán hận như một túi rác, bạn ôm nó trong lòng càng lâu thì càng hôi thối sinh bệnh, chi bằng quẳng nó đi. Tha thứ giúp chúng ta được bình yên. Vì vậy, tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho bản thân mình.
Nhiều khi trong cuộc đời, chúng ta phải cám ơn những người đã đưa đến cho mình phiền não và oan uổng để chúng ta có cơ hội ràn luyện nội tâm. Bởi nếu lúc nào cũng được quý mến, ca ngợi, thuận buồm xuôi gió, thì ta dễ bị ru ngủ trong niềm tự hào, kiêu hãnh và chính lúc đó, ta đang tự biến mình thành nô lệ cho sự cao ngạo và đang đánh mất chính mình.
Người xưa tin vào thiện ác báo ứng, rằng mỗi một sự việc xảy đến với con người đều có duyên do. Nếu không phải là ta đã từng ức hiếp họ trong quá khứ, thì đời này họ chẳng thể tìm ta đòi nợ. Có thể buông bỏ nỗi bất bình, oán giận trong tâm, từ đó lấp đầy trái tim bằng lòng yêu thương và cảm ân, đây cũng là quá trình ta kết toán nợ nần, hoá giải ác duyên, khiến sinh mệnh bản thân được nhẹ nhàng, thăng hoa.
Người xưa từng nói: “Lấy oán báo oán, oán oán trập trùng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”, quả là rất có đạo lý.