Ảnh minh họa nguồn Internet |
“Hổ dữ ăn thịt con”
Ngày 20/9/2010, bé Nguyễn Thị Như Ý (ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) được người dân phát hiện và báo cho cơ quan chức năng tới giải cứu, đưa tới bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương, nhiều nơi nhiễm trùng khi bé mới chỉ 9 tháng tuổi. Đặc biệt, trên hai gò má bé còn in rõ dấu răng và trên đùi có vết thương bị nhiễm trùng khoét sâu vào trong thịt... Những người gây thương tích cho bé chính là Nguyễn Thị Xuân Lan (SN 1977), mẹ đẻ của bé, ông bà ngoại và người cha hờ Lê Thành Tám (SN 1976) của bé.
Tại trụ sở công an xã, Lan đã thừa nhận việc đánh đập con gái ruột và gánh hết trách nhiệm về mình. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã xác định những đối tượng liên quan có cả ông bà ngoại và “cha dượng” của bé. Thậm chí, Tám còn quay cảnh hành hung bé bằng điện thoại di động. Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự Lan và Tám, riêng ông bà ngoại bé tham gia hành hung với mức độ nhẹ nên chưa bị tạm giữ. Nhờ sự vào cuộc kịp thời và nhanh chóng của các cơ quan chức năng, bé Như Ý đã được bà cô ruột nhận nuôi dưỡng, chăm sóc.
Trước những thông tin trên báo chí về vụ việc của bé Như Ý, được sự chỉ đạo của Cục TGPL (Bộ Tư pháp), Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Đồng Tháp Lương Văn Huệ đã cử Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh TGPL số 1 tại thị xã Sa Đéc tham gia TGPL để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bé.
Với sự tận tâm, nhiệt tình của những người thực hiện TGPL, bé Như Ý đã được làm thủ tục giám hộ, được làm giấy khai sinh và bảo vệ khi vụ việc được đưa ra Tòa. Tám và Lan đã phải trả giá cho hành vi độc ác của mình với tổng cộng 11 năm tù, nhưng vết thương lòng do họ gây ra chắc chắn sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề cho cháu bé còn quá non dại như vậy.
Lời con trẻ đôi khi cũng khó tin
Còn nhớ cách đây gần một năm trước, vụ 4 đứa trẻ có dấu hiệu bị hành hạ dã man rồi bỏ trốn khỏi nhà mở tỉnh Đồng Nai (là công trình thanh niên trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đồng Nai) đã gây xôn xao dư luận. Các cháu Nguyễn Văn Bé Hai, Diệp Tuấn Khoa, Diệp Hiếu Trung và Lê Gia Huy đã nói rằng bị bà Lê Thị Thanh Lan (Phó Chủ nhiệm nhà mở) và ông Lê An Thanh (chồng bà Lan) đánh đập hoặc chứng kiến 2 người này hành hạ các cháu bé khác xảy ra ngay tại nhà mở.
Lúc này, Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM và Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Đồng Nai cùng nhau phối hợp đã chủ động liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ xã hội và với các cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện ngay công tác TGPL để bảo vệ kịp thời quyền lợi, tính mạng, sức khỏe cho các cháu. Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM đã cử Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM, là cộng tác viên của Trung tâm) và bà Đinh Thị Yến Ngọc (chuyên viên TGPL của Trung tâm) tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 4 cháu bé ngay từ giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên, qua điều tra, Công an TP. Biên Hòa đã có kết luận thương tích của 4 trẻ trốn khỏi nhà mở là do té ngã. Các cháu Lê Gia Huy, Diệp Tuấn Khoa, Diệp Hiếu Trung bỏ trốn khỏi nhà mở theo sự “xúi giục” của Nguyễn Văn Bé Hai. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Biên Hòa không khởi tố vụ án hình sự.
Đây quả là một việc đáng mừng vì đã không có hành vi vi phạm quyền trẻ em nào xảy ra. Vụ việc cũng cho thấy sự nhạy bén, chủ động của tổ chức thực hiện TGPL. Tất nhiên, việc “dựng” chuyện của các cháu nhỏ đem lại hậu quả không hề nhỏ cho chính bảo mẫu của mình.
Triển khai Chỉ thị số 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 418/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục TGPL đã ký Quyết định số 11/QĐ-TGPL ban hành Kế hoạch tăng cường hoạt động TGPL cho trẻ em. Quyết định số 11 yêu cầu phải bảo đảm TGPL bằng các hình thức TGPL phù hợp và có chất lượng cho mọi trường hợp trẻ em có vướng mắc pháp luật: trẻ em bị vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em; trẻ em bị xâm hại; trẻ em là bị can, bị cáo, bị nghi phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, bị tạm giam, tạm giữ; trẻ em bị đưa vào trường giáo dưỡng hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như là thành viên của hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Tây Nguyên, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn… |