Mỗi dịp Tết đến Xuân về, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại có những chuyến ra khơi thăm những công trình ngành Dầu khí trên biển. Ít ai biết rằng, để ngành này lớn mạnh như hôm nay, người lao động ngành Dầu khí trên biển đã phải vượt bao thử thách.
Đến mỏ dầu “kỳ lạ nhất thế giới”
Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập vừa có chuyến thăm mỏ dầu Chim Sáo, mỏ có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam. Chim Sáo có vị trí cách bờ xa nhất về phía Nam so với tất cả các mỏ với khoảng 400km. Khai thác dầu ở mỏ này là liên danh gồm 4 nhà thầu, trong đó Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) chiếm 15%. Năm 1994, một số hãng nước ngoài phát hiện có dầu tại đây nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan mà các nhà thầu đều phải bỏ vì thấy trữ lượng ở đây thấp. Chỉ đến khi PVN tổ chức thăm dò, đánh giá lại thì mới phát hiện ra trữ lượng ở đây không nhỏ. Trải qua gần 8 năm hoạt động, mỏ Chim Sáo đã khai thác được 62 triệu thùng dầu và 90 tỷ feet khối khí. Đặc biệt, mỏ Chim Sáo càng khai thác, trữ lượng lại càng tăng. “Đây có lẽ là điều kỳ lạ nhất trong ngành khai thác dầu trên thế giới”, đại diện PVN nói.
Theo PVN, năm 2018 là năm thành công của mỏ Chim Sáo với sản lượng dầu 8,3 triệu thùng, hiệu suất vận hành giàn 99%. Mỏ Chim Sáo khai thác dầu chỉ đứng thứ ba sau Vietsovpetro và Cửu Long JOC. Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập đánh giá cao trình độ quản lý và điều hành của liên danh và đề nghị các ban chuyên môn của Tập đoàn nghiên cứu, học tập cách điều hành của đơn vị này, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho giàn khai thác và tàu vận chuyển.
Ngày 22/1 vừa qua, Thành viên HĐTV Phan Ngọc Trung và đoàn công tác cũng đi thăm mỏ Cá Tầm. Giàn khai thác CTC1 của mỏ này đang chuẩn bị cho ra những dòng dầu đầu tiên nên công trường làm việc đang rất khẩn trương. Mỏ này do Vietsovpetro là nhà điều hành theo hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí ký ngày 12/9/2012 giữa PVN với Tổ hợp ba nhà thầu Vietsovpetro (55%), PVEP (30%) và Bitexco (15%), tổng diện tích gần 6.000 km2, độ sâu nước biển từ 15 đến 60m, thuộc bồn trũng Cửu Long, nằm cách TP Vũng Tàu 160km về hướng Đông Nam, gần các mỏ dầu Rồng, Gấu Trắng, Bạch Hổ mà Vietsovpetro đang khai thác (khoảng 15 - 20 km).
Để phát triển đưa vào khai thác mỏ Cá Tầm, Giàn CTC1-WHP sẽ được kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Vietsovpetro tại Lô 09-1. Đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng theo chủ trương của PVN nhằm tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có trên biển của Vietsovpetro và mang lại nhiều lợi nhuận cho tổ hợp nhà thầu. Theo kết quả tính toán, việc khai thác mỏ Cá Tầm sẽ có hiệu quả kinh tế đến hết năm 2032, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng hơn 1 tỷ USD và đem về lợi nhuận cho Vietsovpetro 238 triệu USD, PVEP 130 triệu USD và Bitexco 65 triệu USD.
Mai, đào vẫn nở trên biển Đông
Người lao động ngành Dầu khí làm việc trên Biển Đông được ví như những chiến sĩ trên mặt trận khai thác kinh tế. Do đặc thù công việc, dịp Tết Nguyên đán này nhiều người không được về quê sum vầy cùng gia đình mà tiếp tục nhiệm vụ ở ngoài khơi xa. Anh Nguyễn Đức Hải, Xí nghiệp khai thác Vietsovpetro cho biết, giàn khai thác CTC1 nơi anh làm việc đang chuẩn bị đón dòng dầu đầu tiên nên phải đảm bảo hoạt động liên tục 24/24 giờ. Hải tâm sự, 10 năm đi biển trên các công trình của ngành Dầu khí, đây là năm thứ 6 anh đón Tết ở ngoài khơi.
“Năm nay có điều đặc biệt hơn vì chúng tôi ở đây đang tập trung đón thời khắc quan trọng, đón những sản phẩm đầu tiên của mỏ, dấu mốc quan trọng nhất của dự án. Nếu hỏi đón Tết ở giàn có nhớ nhà không, thì nhớ chứ, nhớ lắm! Nhưng ngày Tết anh em vẫn luôn lao động với ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo năng suất cao và an toàn”, Hải chia sẻ và cho biết, mỗi dịp Tết đến, tại các công trình dầu khí đều được chuẩn bị chu đáo những đồ ăn đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, bánh kẹo, thịt gà; cành mai, cành đào…
Thành viên HĐTV PVN Phan Ngọc Trung cho biết, sau khi thăm công trường, nhìn những người lao động làm việc hăng say và trách nhiệm, ông cảm thấy rất an tâm. Theo ông Trung, việc đưa mỏ Cá Tầm vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để PVN, Vietsovpetro, PVEP duy trì ổn định sản lượng khai thác và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thăm dò, tiếp tục tìm ra các lô mới trong những năm tới.
Đón Tết trên những giàn khoan, các công trình dầu khí trên biển đã trở thành điều quen thuộc với các cán bộ, kỹ sư, người lao động ngành Dầu khí. Trong khi nhiều công nhân ngành khác được nghỉ ngơi, sum họp với gia đình thì “người Dầu khí” đã gác lại hạnh phúc riêng để làm nhiệm vụ. Họ bám biển khai thác, chuyển dầu, khí về đất liền và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Bám giàn vì những dòng dầu của đất nước
“Năm nay có điều đặc biệt hơn vì chúng tôi ở đây đang tập trung đón thời khắc quan trọng, đón những sản phẩm đầu tiên của mỏ, dấu mốc quan trọng nhất của dự án. Nếu hỏi đón Tết ở giàn có nhớ nhà không, thì nhớ chứ, nhớ lắm! Nhưng ngày Tết anh em vẫn luôn lao động với ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo năng suất cao và an toàn”, anh Nguyễn Đức Hải, Xí nghiệp khai thác Vietsovpetro.