Khi rượu bia gây "sợ hãi"
Trước đó, dù đang là dịp giáp Tết, cuối năm, dịp của Tất niên, các quán nhậu đã không còn sự nhộn nhịp, đông đúc như trước đây. Tại một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, Gò Vấp vào tối chủ nhật của những ngày Tất niên muôn nơi, thế nhưng một buổi tối chỉ có vỏn vẹn ba bàn nhậu với vài lon bia vứt rải rác dưới gầm bàn. Những khách này hầu hết không đi xe, nhậu xong là bắt taxi về vì sợ bị vi phạm nồng độ cồn.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, chủ quán cho biết, từ khi có chế tài phạt nặng hành vi lái xe uống rượu bia và công an ra quân liên tục, quán anh sụt giảm doanh thu chỉ còn 50%. Tình hình cũng tương tự đối với những quán nhậu chung quanh, trên cùng trục đường.
"Ngay ngày đầu có quy định, một khách quen của tôi bị phạt 7 triệu đồng sau chầu nhậu tại quán về nhà. Mới đây, một khách khác cũng bị phạt gần chục triệu vì tin rằng nhà gần, cách có hơn 2km, không bị công an phát hiện. Mình kinh doanh liên quan đến bia rượu nên có quy định như thế thì đành chịu thôi, người ta sợ không đến nhậu là đúng rồi".
Cùng “cảnh ngộ”, anh Lê Văn Tâm, một chủ quán nhậu khác trên đường Trường Sa cho biết, doanh thu của quán anh đã sụt giảm hơn 70% từ khi có quy định mới. Anh Tâm cho biết, quán anh là quán nhậu bình dân, đa số là người lao động đến lai rai sau ngày làm việc. Hầu như ai cũng đi xe máy đến, nay chỉ vì bữa nhậu mà có nguy cơ bị phạt nặng, mất cả tháng lương tiền phạt thì không mấy ai dám liều để ăn nhậu nữa.
Anh Tâm cho biết anh đang cân nhắc chuyện đóng cửa quán hoặc chuyển hướng kinh doanh vì mỗi tháng tiền thuê mặt bằng của anh là hơn 30 triệu, tình hình ế ẩm như thế này là phải bù lỗ, không duy trì nổi.
Giảm doanh thu 50-70% là tình hình chung của các quán nhậu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là quán nhậu bình dân. Những nhà hàng cao cấp tuy tỉ lệ giảm thấp hơn nhưng con số cũng không nhỏ. Cạnh đó, tình hình tiêu thụ bia rượu dịp Tết này nói chung cũng không mấy khả quan.
Tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, có thể thấy lượng tiêu thụ rượu bia không được như năm trước. Nhân viên một chuỗi bách hóa trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 cho biết, đến thời điểm này lượng bia thùng bán ra chỉ bằng 50% năm ngoái và cửa hàng cũng không dám trữ hàng nhiều như năm ngoái vì sợ không bán được hàng.
Anh Ngô Ngọc Hải Châu, nhân viên một công ty bất động sản chia sẻ: "Bia rượu là để cho vui, để cuộc gặp mặt, bữa tiệc tùng thêm xôm tụ. Nhưng một khi vì vài giọt rượu, ly bia mà bị phạt nặng, có khi mất khoản tiền lớn bằng nửa tháng, một tháng lương thì quả không đáng. Nếu như thế, bia rượu không còn là thú vui mà trở thành "nỗi sợ hãi", uống một áp lực mười thì còn ai dám uống nữa".
Còn rất nhiều niềm vui khác
Và như thế, quy định phạt nặng tài xế có bia rượu bắt đầu ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen tiêu thụ bia rượu của người Việt. Vào đúng dịp cận Tết, nó còn "gây khó" cho những bữa tiệc, họp mặt cuối năm.
Anh Châu Văn Tân, phụ trách hành chính một công ty kinh doanh thực phẩm cho biết, mọi năm anh chỉ cần đặt chỗ tại một nhà hàng và tổ chức các trò chơi cho anh em công ty có một bữa tiệc thật vui và thật say. Nhưng năm nay, lo lắng vì chế tài bia rượu khi tham gia giao thông tăng nặng, anh đang loay hoay không biết tổ chức thế nào.
"Tổ chức mà không có bia rượu thì sợ anh em thiếu vui, không có cảm giác hào hứng, phấn khích để hết mình vào các trò chơi tập thể của công ty. Nhưng nếu tổ chức có bia rượu thì sợ anh em quá chén, hoặc bị phạt sau bữa tiệc thì khổ thân. Nên tôi đang lấy ý kiến mọi người xem nên tổ chức thế nào cho vui và an toàn nhất có thể", anh Tân chia sẻ.
Giờ đây, nhiều công ty đã thức thời khi chuyển bia rượu thành "món" khác để nhân viên vui vào cuối năm. Anh Trần Đình Dũng, giám đốc một công ty thiết bị vệ sinh trên đường Trường Chinh chia sẻ, mỗi năm, Tất niên công ty tốn tầm vài chục triệu tiền bia đãi nhân viên. Năm nay, chế tài siết chặt, anh nghĩ ra cách thay rượu bia bằng nước ngọt và trà đá, số tiền tiêu vào bia rượu anh sử dụng để làm quà tặng bốc thăm trúng thưởng cho nhân viên và thuê thêm ban nhạc về hát cho vui.
"Sau khi khảo sát, hơn 90% nhân viên tôi đồng ý với cách làm này. Uống rượu có thể vui chốc lát, nhưng xong về còn nơm nớp mất số tiền lớn. Đằng này thay vào đó lại còn được quà tặng to, mọi người đều thấy hợp lý và ủng hộ. Có lẽ từ năm nay công ty chúng tôi sẽ thay đổi cách làm cho các bữa tiệc", anh Dũng tâm sự.
Mới đây, một công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam đã thay thế bia rượu trong bàn tiệc cuối năm bằng... nước táo mèo lên men. Việc lựa chọn sản phẩm truyền thống, ngon mà lại không gây nguy cơ say xỉn, vi phạm luật giao thông hay gây tai nạn đã được toàn thể nhân viên công ty cũng như các vị khách mời nhiệt liệt ủng hộ.
Ngày Tết cũng như ngày thường, còn rất nhiều thú vui khác có thể thưởng thức thay vì bù khú bên ly rượu ly bia. Đó là du ngoạn thưởng cảnh xuân, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Là bạn bè, người thân thì không cần bia rượu, chỉ cần chén trà, ly nước cũng có thể tạo nên buổi trò chuyện rôm rả. Mượn rượu để vui là một con dao hai lưỡi, khi mà niềm vui do vay mượn thường rất ngắn ngủi và mau tan, còn hậu quả, buồn đau thì để lại mãi mãi.
Siết chặt luật, tự khắc nghiêm
Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn chế tài bia rượu được siết chặt, tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. Trước đây, đã từng không ít những thảm cảnh sau những chầu nhậu: Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, những đám cưới không bao giờ tới, những thanh niên không bao giờ còn thấy ngày mai...
Việc thay đổi thói quen quả thật không dễ, nhưng một khi có sự thực hiện nghiêm túc, thì tự khắc việc chấp hành sẽ nghiêm túc, mọi thứ đi vào khuôn khổ. Những ngày đầu quy định được áp dụng, đã có những hành vi chống đối, chửi bới lực lượng công an.
Cũng không ít hành vi năn nỉ, xin xỏ hoặc né tránh việc thực hiện án phạt bằng nhiều cách khác nhau như bỏ xe, "cố thủ" trên xe. Những chiêu thức khác cũng được dân nhậu áp dụng như "cử" người thân ra đón về mỗi khi đi nhậu, hay lùng mua các loại thuốc uống vào giải rượu bia cấp kì.
Để bảo đảm doanh thu, các quán nhậu cũng đã ra nhiều chiêu giữ chân khác như đưa đón tận nơi, gửi xe qua đêm miễn phí...
Tuy nhiên, tất cả hành xử này chỉ mang tính nhất thời. Về lâu về dài, với sự bất tiện và nguy cơ bị phạt cao, người dân buộc phải thay đổi thói quen sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và tiếp đến là thói quen sử dụng rượu bia trong đời sống hàng ngày.
Tỉ lệ tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới hay thói quen dùng bia rượu vô tội vạ hoàn toàn không phải là điều đáng tự hào. Cũng không có gì đáng vui khi mà tại một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh quán nhậu mọc lên ở khắp mọi con đường lớn cho đến hang cùng ngõ hẻm.
Có những con đường còn được mệnh danh là "đường ăn nhậu" như đường Trường Sa, Phạm Văn Đồng với hàng trăm quán nhậu trải dài. Cũng không thể vui khi mà bất kể ngày thường hay ngày lễ, cuối tuần hay trong tuần, thanh niên nam nữ bù khú đông đúc nhộn nhịp, chén tạc chén thù.
Bia rượu đã dẫn đến quá nhiều hậu quả bi thương. Từ những cuộc ẩu đả, đâm chém nhau chỉ vì cự cãi trên bàn nhậu cho đến những tai nạn giao thông thảm khốc, gây bao đau thương chỉ vì người tham gia giao thông quá chén, không điều khiển được tay lái. Đó là còn chưa kể đến tình trạng nghiện ngập, say xỉn, mất sức lao động, bạo hành gia đình, thoái hóa nhân cách cũng từ bia rượu mà ra.
Thay đổi một thói quen, câu chuyện tưởng như nhỏ nhưng đó là thay đổi cả một lối sống, thay đổi cả tư duy. Bớt đi nhiều những tai nạn, những hành xử không hay. Xã hội cũng từ đó mà văn minh hơn, phát triển hơn…