Tại xóm công nhân KCN Phố Nối A, Hưng Yên, Tâm (quê Quảng Trị) cho biết, đã mấy năm nay gia đình em chưa sum họp đủ thành viên dịp Tết. “Thường bố mẹ phải đợi đến khoảng cuối tháng Giêng khi đó ba anh em, mỗi đứa kiếm sống một nơi, mới lục tục kéo nhau về….” - Tâm cho biết, chẳng phải bận rộn gì hay ham đón Tết nơi phố thị, mà tại thời điểm cuối năm vé tàu tăng quá cao, thậm chí gấp 3 - 4 lần so với ngày thường, nên mấy anh em thường tranh thủ cắt cử nhau về thăm nhà, sau đó tranh thủ làm để dành tiền gửi về quê cho bố mẹ.
Cùng tâm trạng với Tâm, vợ chồng anh Phú - công nhân may cũng chia sẻ, mức thu nhập của hai vợ chồng cộng lại vừa tròn 7,6 triệu đồng. Ngoài khoản thuê nhà và hàng tháng chi tiêu, thì mỗi tháng vợ chồng anh phải còn dành tiền gửi về quê cho ông bà nội nuôi hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Chật vật khó khăn như vậy, nên đâu dám nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết cả hai vợ chồng, mà chỉ dám cắt cử vợ về cho bọn trẻ đỡ nhớ. “Năm nào mà trời cho làm ăn khá giả thì cả gia đình sẽ cùng về, nhưng chỉ chọn mùa thấp điểm trong năm để đỡ tốn kém chi phí…” - anh Phú cho biết.
Tiếp xúc với phóng viên, chị Trần Thị Thái đang làm việc cho một DN có vốn nước ngoài ở KCN Phố Nối A tuy khá hơn, nhưng cũng có suy nghĩ tương tự. Chị cho biết, Tết Nguyên đán 2019, mỗi công nhân nơi chị làm việc được thưởng một tháng lương (bình quân 5,5 triệu đồng). Trước khi về quê, toàn thể công nhân được Ban Giám đốc mời dự tiệc tất niên và được lì xì 300.000 đồng. Với khoản thưởng Tết cùng tiền tiết kiệm chi tiêu trong năm, chị Thái có trong tay hơn chục triệu đồng, nhưng vẫn quyết định ở lại KCN ăn Tết. Quê chị Thái ở Nghệ An, cha mẹ đều làm nông nên cuộc sống còn khó khăn, vất vả. Làm công nhân ở KCN 5 năm nhưng đã 3 lần chị ăn Tết xa quê vì muốn dành tiền cho cha mẹ có một cái Tết đầy đủ. “Ở lại KCN ăn Tết ai mà không chạnh lòng, song chỉ cần cha mẹ có một cái Tết ấm cúng, đầy đủ là tôi thấy mãn nguyện" - chị Thái tâm sự.
Dù không về quê ăn Tết, nhưng Hoàng (quê Thanh Hóa) lại có cách nhìn nhận khác, coi đây là dịp kiếm thêm. Hoàng thổ lộ, 3 năm gần đây, một số DN nước ngoài trong KCN luôn treo biển tuyển người làm thêm ngày Tết với ngày công 1 triệu đồng/ngày + vé dự thưởng trúng xe Air Blade. Hoàng tính toán, nếu ở lại làm 4 ngày, chưa kể vé dự thưởng, cũng được 4 triệu đồng, bằng làm cả nửa tháng. Ngoài mồng 10 Tết, quê có hội làng, lúc đó về đoàn tụ gia đình luôn thể.
Chị Đỗ Thị Thủy (quê Tuyên Quang) nhiều năm nay làm việc tại KCN Phố Nối A cũng là một trong những công nhân “tham công tiếc việc”. Chị ít khi về quê dịp nghỉ Tết bởi còn mải kiếm thêm thu nhập trong những ngày nghỉ, khi lương được tính gấp ba, bốn ngày thường. Chị Thủy cho biết, được nghỉ vài ngày, khi về quê cũng chỉ ngủ, nên thà để thời gian đó đi làm có thêm thu nhập. Nói như vậy, nhưng ánh mắt của chị Thủy vẫn không khỏi buồn bã khi Tết cổ truyền không được về thăm bố mẹ.
Phải thừa nhận lao động nhập cư góp một phần đáng kể vào sự phát triển chung của các KCN, nhưng so với cư dân địa phương thì lao động nhập cư gặp rất nhiều khó khăn cũng như phải nỗ lực rất nhiều trên con đường mưu sinh của mình. Trừ một số công ty có chính sách hỗ trợ tiền tàu xe hoặc một số chi phí khác giúp công nhân dịp Tết còn thì phần lớn người lao động phải tự xoay xở lấy. Giá cả leo thang trong những ngày cận và sau Tết khiến họ buộc lòng phải cân đong tính toán và chấp nhận thiếu thốn tình cảm về mình để thêm niềm vui đầy đặn và no đủ hơn cho gia đình, người thân trong mấy ngày Tết cổ truyền.