Tham dự hội thảo có bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Minh Nhựt – Cục trưởng Cục Văn hoá Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Khuất Văn Quý – Phó vụ trưởng, Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Về phía lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có ông Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; ông Võ Đức Trong – Phó chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã, Thành phố cùng rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ đến thảo luận, tham gia hội thảo.
Quang cảnh hội thảo khoa học “Nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” |
Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh dưới góc độ khoa học; từ đó phát huy các giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển con người hướng đến chân thiện mỹ. Kết quả của Hội thảo là cơ sở dữ liệu khoa học để xây dựng các chủ trương, chính sách về văn hóa, gia đình; là nguồn dữ liệu để xây dựng các sản phẩm du lịch riêng có của Tây Ninh về giới thiệu bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình, phục vụ phát triển du lịch bền vững đồng thời với bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống gia đình tốt đẹp của tỉnh Tây Ninh.
Với sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư nghiên cứu, góp sức nhiều tâm huyết của tập thể các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, những Nhà nghiên cứu trong nước và chuyên gia... Với kỳ vọng tập hợp, hệ thống được những dữ liệu quan trọng để làm cơ sở nhận diện được bản sắc Văn hoá và truyền thống gia đình riêng có của Tây Ninh. Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu của Tỉnh, gợi mở cho Tây Ninh một số ý tưởng quan trọng để định hướng phát triển bản sắc, vượt qua những nghịch lý còn vướng mắc trong quá trình phát triển, giải quyết các mâu thuẫn giữa bản sắc và tiềm năng trong quá trình khai thác du lịch.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ…. đến thảo luận, tham gia |
Đây là đề tài thực hiện nhằm nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình Tây Ninh; đồng thời đưa ra giải pháp tổ chức khai thác trong các hoạt động du lịch, một mặt tạo ra các giá trị kinh tế giúp nâng cao đời sống cộng đồng, mặt khác có thể giúp quảng bá các giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình các dân tộc tại địa phương.
Tại hội thảo, ông Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cho biết, thông qua Hội thảo giúp lãnh đạo Tỉnh nhận diện rõ hơn bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình của tỉnh Tây Ninh, xác định tiềm năng để phát huy trong thời gian tới.
Kết thúc hội thảo, qua các ý kiến đại biểu đã chắt lọc, khai phá, gợi mở, thống nhất nhận định vai trò và tầm quan trọng của nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh. Đây là tiền đề quan trọng để ngành chức năng liên quan của tỉnh tiếp tục nghiên cứu phát triển.
Tây Ninh vốn là một tỉnh biên giới vùng Đông Nam Bộ, liền kề hai khu vực kinh tế - văn hóa khác nhau là Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nước bạn Campuchia. Tuy có chung một hành lang kinh tế, nhưng các hoạt động kinh tế - xã hội của hai khu vực ấy không ngừng thúc đẩy làm thay đổi diện mạo địa phương trên nhiều mặt một cách nhanh chóng. Tây Ninh còn là địa bàn cư trú của nhiều tộc người (Việt, Hoa, Chăm, Khmer…), sự đa dạng về tôn giáo (Phật giáo, Cao Đài, Thiên chúa…) cùng với đó là chính sách bảo tồn tính đa dạng văn hóa tộc người, văn hóa tín ngưỡng của địa phương.
Là vùng đất anh dũng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm với nhiều chiến tích vang dội, Tây Ninh mang dấu ấn của việc lãnh đạo cách mạng miền Nam, hoạt động của Trung ương Cục trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tây Ninh có nền tảng văn hóa tín ngưỡng tôn giáo đa dạng phong phú của các tôn giáo chính như Cao Đài, Phật giáo và Thiên chúa giáo… các yếu tố tự nhiên đến các tài nguyên nhân văn đều thuận lợi để phát triển du lịch nếu có chính sách phát triển hợp lý trung và dài hạn.