Sau khi Trung Quốc tuyên bố hoãn lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Nhật và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cảnh báo Trung Quốc về ảnh hưởng có thể xảy đến với nền kinh tế của chính nước này, ba tàu của Trung Quốc đã đi vào vùng biển quanh quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu hải giám Trung Quốc và tàu của JCG gần Senkaku/Điếu Ngư sáng 24/9. Ảnh: Kyodonews |
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, khoảng 7h ngày 24/9 (giờ địa phương, 2h00 GMT), 3 tàu của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Hai tàu hải giám 66 và 46 cùng một tàu ngư chính của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh Uotsurijima -đảo lớn nhất trong chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngoài 3 tàu nói trên, JCG cũng đã phát hiện 6 tàu khác của Trung Quốc ở vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ lãnh hải của một nước.
Các tàu của Trung Quốc được phát hiện ở gần Senkaku/Điếu Ngư chỉ một ngày sau khi JCG thông báo, lần đầu tiên trong vòng một tuần qua, các tàu Trung Quốc đã rút hết khỏi Senkaku/Điếu Ngư. Tổng cộng 20 tàu tuần tra Trung Quốc đã thâm nhập vào vùng lãnh hải hoặc vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản quanh Senkaku/Điếu Ngư kể từ đầu tuần trước.
Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc nói rằng, 2 tàu hải giám 66 và 46 đang thực hiện công tác tuần tra dân sự “bảo vệ quyền lợi” ở vùng biển gần chuỗi đảo trên biển Hoa Đông.
Theo Tân Hoa xã, nhóm tàu này được cử đến để thực thi quyền tài phán hợp pháp của Trung Quốc đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngay sau khi phát hiện sự xâm nhập của các tàu hải giám, JCG đã phát cảnh báo, yêu cầu 2 tàu này rời khỏi vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư nhưng các tàu của Trung Quốc đã không phản hồi lại. Đến chiều cùng ngày, các tàu này được cho là đã rời khỏi khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Giới chức Nhật Bản cho biết, Chính phủ nước này đã thành lập một nhóm phản ứng tại Văn phòng Thủ tướng sau vụ xâm phạm của 2 tàu hải giám nói trên. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói thêm rằng Tokyo cũng đã “kịch liệt phản đối” việc xâm phạm của các tàu Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa để phản đối việc các tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bên cạnh đó, ông Kawai sẽ đến Trung Quốc vào chiều 24/9 để tìm cách cải thiện mối quan hệ song phương vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ông Kawai dự kiến có các cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân trong ngày 25/9.
Trong một diễn biến có thể làm phức tạp thêm tình hình, một đội khoảng 78 tàu cá của Đài Loan dự kiến cũng sẽ rời cảng Suao và tiến tới vùng biển gần quần đảo tranh chấp, mà vùng lãnh thổ này gọi là Diaoyutai, vào sáng 25/9. Lin Cheng-an - người phát ngôn Hiệp hội Nghề cá Suao - nói rằng, đội tàu cá này dự kiến tiến vào vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo tranh chấp.
Thủ tướng Nhật cảnh báo Trung Quốc
Sự xuất hiện của nhóm tàu Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda trong một cuộc phỏng vấn ngày 23/9 đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng lập trường cứng rắn và không thỏa hiệp của nước này trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản có thể làm suy yếu nền kinh tế của chính Trung Quốc.
“Trung Quốc nên phát triển thông qua các khoản đầu tư nước ngoài khác nhau mà nước này nhận được. Tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ điềm đạm hơn và nhận ra rằng bất kỳ việc gì làm ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài cũng sẽ gây hại tới nước này” - ông Noda nói với tờ Wall Street Journal.
Trong bài phỏng vấn, ông Noda cho rằng các công ty Nhật Bản hiện đang đối mặt với một dạng quấy rối kinh tế tại Trung Quốc. “Các trì hoãn trong thủ tục hải quan và thị thực gần đây rất đáng quan ngại. Gây phương hại quan hệ song phương vì những việc như thế sẽ không chỉ đưa đến ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế của hai nước, mà còn đến cả kinh tế toàn cầu” - ông Noda cảnh báo.
Hiệp hội Kinh tế Nhật Bản -Trung Quốc ngày 24/9 cũng đã quyết định hoãn kế hoạch cử phái đoàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đến Trung Quốc từ ngày 25/9 vì không thể sắp xếp các cuộc gặp với các quan chức cấp cao trong Chính phủ Trung Quốc. Việc cử phái đoàn doanh nghiệp sang Trung Quốc là hoạt động thường niên của Hiệp hội Kinh tế Nhật Bản - Trung Quốc kể từ năm 1975 đến nay.
Minh Ngọc (tổng hợp)