Tập trung gỡ những 'nút thắt' cho Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương

(PLVN) - Sáng 26/9, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo các tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng chống tội phạm trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2023.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương: Công thương, Tư pháp, Kế hoạch & Đầu tư; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cùng các Sở, ban, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia 389.

Tập trung thu hút mọi nguồn lực cho phát triển KT – XH địa phương

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm của Hải Dương tăng ước đạt 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 16.657 tỷ đồng, tăng 2,9%; Giá trị sản xuất – công nghiệp xây dựng ước tăng 7,4% so với cùng kỳ; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,7%; Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 69.208 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.863 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 38.478 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết ngày 1/9/2023, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương đã giải ngân được 1.924 tỷ đồng, đạt 24,5% so với kế hoạch vốn đã được HĐND tỉnh giao, trong đó ngân sách Trung ương đạt 99,3 tỷ đồng, bằng 25,2% kế hoạch; ngân sách địa phương đạt 1.825 tỷ đồng, bằng 22,5% kế hoạch.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), hàng giả, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo; nâng cao vai trò, trách nhiệm, không bao che, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, GLTM và hàng giả; tăng cường công tác phối hợp trong công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, đặc biệt là trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh.

Ông Lưu Văn Bản – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương báo cáo tại buổi làm việc.

Ông Lưu Văn Bản – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương báo cáo tại buổi làm việc.

Tại cuộc làm việc với Đoàn công tác Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025, với tổng vốn đề nghị bổ sung là 917,446 tỷ đồng (bao gồm: vốn NSTW cấp phát là 75,584 tỷ đồng, vốn vay lại là 841,861 tỷ đồng); Bổ sung kế hoạch vốn năm 2023 từ nguồn vay lại là 50,2 tỷ đồng để tập trung thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Hải Dương đảm bảo kịp thời tiến độ dự án đề ra.

Về vấn đề này, ngày 6/7/2023, UBND tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 2422 về việc đề nghị bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công (vốn nước ngoài) 5 năm 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2023 để thực hiện Dự án “Sửa chữa nâng cao an toàn đập (Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Hải Dương” và Dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương”. Trong cuộc làm việc hôm nay, một lần nữa UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý về đề xuất này.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương còn một số vướng mắc liên quan đến việc thực hiện thủ tục đất đai đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngoài khu cụm, công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 Dự án có vốn FDI nhưng chưa hoàn thiện được thủ tục thuê đất do vướng mắc về thủ tục nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nên chưa thực hiện được thủ tục cho nhà đầu tư thuê đất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương mong muốn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sớm chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Hải Dương được thực hiện thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất như các dự án tương tự mà Tổng Cục quản lý đất đai – Bộ tài nguyên & Môi trường đã hướng dẫn cho địa phương...

Ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo tại hội nghị.

Ông Bùi Văn Khắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo với Đoàn công tác Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng chia sẻ, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 40.678tỷ đồng; Tổng vốn thu hút đầu tư FDI ước đạt 853,93triệu USD (đạt 1, 2 tỷ USD). Số dự án FDI được cấp mới Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư 19dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 826,54 triệu USD.

Bên cạnh đó, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách 9 tháng ước đạt trên 45.372,6 tỷ đồng, đạt 105,5% kế hoạch của UBND tỉnh, bằng 133,8% cùng kỳ. Thu hút đầu tư trong nước đã vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 của UBND tỉnh. Có 15 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt trên 40.552 tỷ đồng; 05 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn trong kỳ với số vốn tăng trên 4.820 tỷ đồng.

Ước đến hết 9 tháng năm 2023, tổng số vốn đầu tư công giải ngân đạt khoảng 7.540 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 50% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (trong đó vốn trong nước đạt 53%)...

Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chỉ đạo Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng nhà máy điện Khí LNG Quảng Ninh. Đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án tuyến đường dây 500kV mạch kép đấu nối Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với TBA 500kV Quảng Ninh để đảm bảo đưa vào vận hành đồng bộ với dự án. Cùng với đó, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống lưới điện Quốc gia quan tâm huy động công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện than tại Quảng Ninh vào những tháng cuối năm 2023.

Quảng Ninh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung, việc xác định vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm nói riêng để từ đó có cơ sở xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong xử lý vi phạm hành chính hoặc có cơ sở xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng báo cáo với Đoàn công tác tình hình kinh tế xã hội TP 9 tháng đầu năm.

Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng báo cáo với Đoàn công tác tình hình kinh tế xã hội TP 9 tháng đầu năm.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân đã báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ về tình hình phát triển KT – XH của TP Hải Phòng trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Hải Phòng tiếp tục duy trì sự ổn định, có sự phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục “rót” vốn mạnh vào TP - điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư - kinh doanh tại Hải Phòng. Đặc biệt, TP Cảng đã có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về thu hút FDI với tổng số vốn thu hút 9 tháng đầu năm ước 3,5 tỷ USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt 72% kế hoạch về thu hút FDI đề ra cho cả năm 2023.

Các chỉ tiêu về thương mại và du lịch tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Số lượng DN được cấp mới trên địa bàn TP tăng cao, hơn 2.500 DN với số vốn đăng ký trên 21.000 tỷ đồng, tăng 3,36% về số DN và tăng 6,77% về số vốn đăng ký; Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/9/2023 đạt trên 313.000 tỷ đồng, bằng 109,55% so với cùng kỳ… Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Đến ngày 20/9, Hải Phòng đã giải ngân trên 10.600 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng của TP tiếp tục được tập trung nguồn lực, Hải Phòng tiếp tục đầu tư với 20 dự án đầu tư trọng điểm được triển khai trong năm 2023 với nhiều hạng mục nhằm phát triển không gian đô thị, hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, tăng cường tính kết nối liên vùng, thể hiện vai trò là TP cửa ngõ, đầu mối giao thương của miền Bắc.

Trong thời gian qua, Hải Phòng cũng đã tăng cường triển khai ngăn chặn các hành vi buôn lậu, GLTM, chủ yếu là các mặt hàng than, xăng, dầu, các mặt hàng điện tử gia dụng đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng thiết yếu từ nước ngoài, hàng cấm. Tổ chức kiểm tra các cơ sở còn tồn tại sai phạm về giấy phép đăng ký kinh doanh, cân đong hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng triển khai rà soát, phát hiện 4.100 vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại; trị giá tiền nộp ngân sách xấp xỉ 320 tỷ đồng, trong đó: xử phạt vi phạm hành chính 82 tỷ đồng, truy thu thuế 229 tỷ đồng, phát mại hàng hóa 09 tỷ đồng; Công tác phòng, chống tội phạm được chú trọng quan tâm chỉ đạo với các Kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, ra quân kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông, thí điểm 05 điểm phạt nguội; Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tiếp tục được đảm bảo, giữ vững.

Trong tháng 5 vừa qua, TP Hải Phòng đã có cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các Bộ, ngành liên quan. Chính vì vậy, những nội dung, kiến nghị của Hải Phòng đã được Chính phủ giao cho các Bộ, ngành quan tâm xem xét và có hướng xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Hải Phòng vẫn đang còn một số kiến nghị, đề xuất, mong muốn Phó Thủ tướng cùng các Bộ, ngành Trung ương lưu tâm xem xét, sớm tháo gỡ những nút thắt này.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Hải Phòng đề xuất Văn phòng Chính phủ sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về việc giải quyết vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện các Dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi theo đề nghị của Bộ Quốc phòng tại Tờ trình số 3152/TTr-BQP ngày 28/8/2023; Đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm đến các nội dung quy định về tỷ lệ đất ở trong diện tích dự án, sửa đổi quy định các dự án nhà ở thương mại không có đất ở thì không được lựa chọn chủ đầu tư, sửa đổi quy định về điều kiện mở bán nhà hình thành trong tương lai, hướng dẫn cách tính giá bán nhà ở xã hội.

Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo, trình Chính phủ ban hành quy định cho phép chỉ thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với các dự án đầu tư lấn biển, nhất là đối với các dự án vừa nằm trong, vừa nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phải thực hiện hai thủ tục giao đất, cho thuê đất và thủ tục giao khu vực biển; Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, bổ sung quy hoạch bến cảng hàng lỏng, khí tại các bến số 21 và số 22 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, với quy mô có thể tiếp nhận (xuất - nhập) cỡ tàu đến 150.000 DWT vào dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng.

Đề xuất cuối cùng tại cuộc làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ hôm nay, Hải Phòng mong muốn Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận một số dự án, công trình điện có tiến độ triển khai cấp bách để đảm bảo cấp điện cho phát triển KT - XH của Hải Phòng, gồm: điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Hải Phòng để vận hành máy biến áp của Trạm 110kV Tràng Duệ cấp điện cho dự án LG Innotek; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại khu xử lý Đình Vũ; Xây dựng mạch 2 đường dây 110kV và trạm biến áp 110kV Cát Bà, Dự án đường dây 110kV mạch 2 khoảng vượt Lạch Huyện….

Tập trung sửa luật để tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho phát triển KT – XH

Sau khi nghe các ý kiến đề xuất của địa phương Quảng Ninh, Hải Dương và TP Hải Phòng, các Bộ: Công thương, Tài nguyên & Môi trường, Tư pháp, GTVT, Xây dựng đều ghi nhận sự phát triển KT – XH của 3 địa phương trong những năm gần đây, đặc biệt là TP Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước; môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút đầu tư FDI trở thành điểm sáng của cả nước, đây là một trong những nguồn lực kinh tế quan trọng, thúc đẩy cho sự phát triển KT - XH của cả vùng duyên hải… Tuy nhiên, các Bộ cũng lưu ý cho tỉnh, TP cần chú trọng các vấn đề về quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng để mở rộng các hoạt động liên kết vùng trong thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ; cần lưu ý về phát triển thương mại điện tử trong vùng nhằm đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương…

Nhiều kiến nghị, đề xuất của tại hội nghị này, đã được các Bộ ngành Trung ương xem xét, tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng trước khi trình Chính phủ kiến nghị với Quốc Hội để thông qua những vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật đất đai đang dự thảo sửa đổi, nhiều vấn đề kiến nghị của địa phương cũng cần phải có Nghị định mới để hướng dẫn thi hành, thực hiện cho đồng bộ, thống nhất giữa các ngành…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chủ trương lớn của Chính phủ mong muốn các địa phương trong cả nước cần đẩy mạnh đầu tư công để giải quyết câu chuyện hạ tầng kết nối, phát triển KT – XH địa phương, thúc đẩy đẩy đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế liên kết vùng…

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương Hải Phòng vẫn là điểm sáng về thu hút FDI, đã đón nhận các nguồn vốn lớn từ nước ngoài “rót” vào đầu tư cho TP, đây là thời cơ lớn cho Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện nay Hải Phòng và Hải Dương đang bị chậm về điều chỉnh quy hoạch chung, nên trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan cần tập trung cho quy hoạch 2 địa phương này để kịp thông qua vào cuối tháng 10/2023. Phó Thủ tướng lưu ý, nếu không sớm thông qua điều chỉnh Quy hoạch chung của Hải Phòng và Hải Dương thì những vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch bổ sung cho các khu, cụm công nghiệp không thể xử lý dứt điểm; chính vì vậy, cần dồn sức làm cho quy hoạch thật tốt, chất lượng quy hoạch cần phải có tầm nhìn, vấn đề này đang bị áp lực về thời gian – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý, khi tập trung phát triển kinh tế, các địa phương không được chủ quan trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như phát hiện những hành vi GLTM. Đôi khi những vấn đề phát hiện, xử lý còn rất nhỏ, đừng coi đây là thành tích quá lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm…

Mặc dù còn những bất cập trong việc thực thi pháp luật nên Chính phủ cũng đang cùng các Bộ ngành hoàn thiện thể chế để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Trong thời gian tới, cần sớm phân cấp mạnh cho cơ sở, địa phương thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Nếu có những vướng mắc, Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn lãnh đạo tỉnh, TP cần thắng thắn trao đổi với Chính phủ cùng các Bộ ngành liên quan để tập trung tháo gỡ, giải quyết, tránh tình trạng văn bản trình xin ý kiến đề xuất bị “treo”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu kết luận buổi làm việc.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong các tỉnh TP lưu tâm, chú trọng trong công tác triển khai giải ngân vốn đầu tư công theo Kế hoạch đã đề ra, tiếp tục tạo điều kiện môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư trong nước và thu hút FDI, tạo nguồn lực cho thúc đẩy phát triển KH – XH.

Hiện nay, một vấn đề khá quan trọng mà các địa phương đang bị chậm so với kế hoạch đề ra là vấn đề về thực hiện Chuyển đổi số, một số địa phương còn chưa triển khai, giải ngân được.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý cho các địa phương cần chú trọng về công tác PCCC vì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là Hải Phòng hiện nay còn nhiều khu nhà tập thể cũ mà người dân vẫn đang sinh sống. Đề nghị sau cuộc làm việc này, Văn phòng Chính phủ cần theo dõi thường xuyên, kịp thời tham mưu, đôn đốc để giải quyết các kiến nghị đề xuất của địa phương, cần có thông tin hai chiều và thường xuyên thông báo cho các địa phương biết…

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.