Có giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ các “nút thắt” đã được nhận diện
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đánh giá, năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội (QH), Chính phủ, kinh tế nước ta ghi nhận sự phục hồi ấn tượng khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, là mức tăng cao nhất trong khối các nước ASEAN và Trung Quốc, mức GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại phiên họp. |
Về kết quả thực hiện những tháng đầu và nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại năm 2023, đại biểu phân tích, tăng trưởng quý I đạt 3,32%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 và thấp hơn nhiều so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Để hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch, các quý còn lại của năm 2023 phải tăng bình quân 7,5 - 8%. “Đây là thách thức rất lớn trong điều hành, do vậy, Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các “nút thắt” hiện đã được nhận diện” - Đại biểu Nguyễn Minh Sơn nói.
Đồng tình với các giải pháp đã được đề cập tại báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị Chính phủ nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân đầu tư công; tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển cho các dự án quan trọng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để gia tăng nhanh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, tránh lãng phí...
Về hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Cùng với đó cần rà soát, tháo gỡ ngay các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính. Về chính sách tài chính, ngân sách, theo Đại biểu, cần kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản. Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư…
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) phản ánh, hiện nay, tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là thực tế đáng lo ngại. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu tại phiên họp. |
Đánh giá Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ, giải quyết “điểm nghẽn” này nhưng Đại biểu cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ; có giải pháp hỗ trợ thanh niên trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp tổ chức cơ cấu, nâng cao chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) bày tỏ trăn trở trước thực tế hiện nay, nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhưng về hưu nhận tiền lương hưu chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng, không đủ sống. Do đó, đồng tình với việc Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Đại biểu đề nghị, trong lộ trình cải cách tiền lương phải xác định mức tiền lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu.
Báo cáo Quốc hội thí điểm về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, tình trạng không ít cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ hiện nay là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Những biểu hiện đó vi phạm các quy định theo nghị quyết của Đảng, quy định của Luật Chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức. “Trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn, chúng ta không thể bênh che với các biểu hiện này. Tình trạng như vậy làm cản trở phát triển KT-XH của đất nước; làm giảm niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, chỉ thị, công điện về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bộ Nội vụ cũng đã có tham mưu để giải quyết.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát, bãi bỏ các quy định hoặc thói quen phải xin ý kiến, thỏa thuận, xin chủ trương, thống nhất. Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, Bộ đang tập trung rất cao, tham mưu cho Chính phủ để ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, việc này vướng nhiều quy định của pháp luật. Do đó, Bộ đang tham mưu, báo cáo với QH, Ủy ban Thường vụ QH để tới đây có nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. “Có những nghị định, nghị quyết này mới đầy đủ hành lang pháp lý, mới bảo vệ được cán bộ”, Bộ trưởng nói thêm.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu để sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, tạo hành lang pháp lý để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cuối cùng, dẫn chứng việc từ Trung ương đến địa phương, ở đâu có người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm thì ở đó vẫn phát triển, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh quan điểm cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. “Suy cho cùng, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và kiên quyết mạnh tay xử lý cán bộ có biểu hiện nêu trên là rất cần thiết và là vấn đề quyết định”, Bộ trưởng nói.