Dân tình chưa thôi xôn xao vụ công ty Matsukaze (Nhật Bản) đến TP. Hồ Chí Minh tuyển kỹ thuật viên chăm sóc ngựa với mức lương trên 1000 USD/tháng thì các công ty XKLĐ khác lại liên tiếp thông tin tuyển một số lượng không nhỏ thực tập sinh (TTS) nông nghiệp cho các trang trại ở nước này. Đáng chú ý, sau những thất vọng ở thị trường Hàn Quốc, giờ đây “nguồn” lao động cho thị trường Nhật Bản khá dồi dào.
Một trang trại tại Nhật Bản |
Việc làm đều, thu nhập cao
Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Hàng Không (Airseco) mấy tháng nay liên tục tuyển TTS cho thị trường Nhật Bản trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Điều kiện tuyển dụng không quá khó, cũng không cần nhiều kinh nghiệm song tiếng Nhật phải thành thạo. Bù lại, thu nhập của các TTS được đảm bảo cơ bản tháng thứ nhất từ 60.000 yên- 70.000 yên/tháng ( tương đương 15.000.000VNĐ-18.750.000 VND). Từ tháng thứ 2 trở đi, TTS nhận mức lương cơ bản từ 120.000 yên – 130.000 yên/ tháng ( tương đương 30.000.000 VNĐ- 32.000.000 VNĐ). Ngoài ra TNS còn được tính tiền làm thêm giờ.
“Chúng tôi đã khảo sát điều kiện lao động của TTS trong lĩnh vực nông nghiệp, nói chung công việc khá nhàn và phù hợp với lao động Việt Nam. TTS nông nghiệp chủ yếu làm việc trong các nhà kính, chăm sóc, thu hoạch nông sản và một số làm việc trong các trang trại chăn nuôi. So với TNS nhà máy thì thu nhập của TNS nông nghiệp có thấp hơn một chút ( do giờ làm thêm ít hơn) song TNS lại được thoải mái hơn về giờ giấc cũng như khuôn khổ làm việc, sinh hoạt’, ông Nguyễn Xuân vui- TGĐ Airseco cho biết.
Ông Lê Nhật Tân- PTGĐ công ty LOD cũng cho biết từ đầu năm tới nay LOD đã đưa gần 400 TTS đi Nhật Bản với mức thu nhập và công việc rất ổn định.
Cũng có gần 400 TTS sang Nhật từ đầu năm tới nay, ông Nguyễn Hồng Sơn – PTGĐ Công ty AIC cho biết số TTS Nhật Bản của công ty năm nay vẫn ổn định, đơn hàng và đối tác đều tăng so với năm 2010.
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy từ đầu năm tới nay đã có gần 5000 TTS Việt Nam sang Nhật Bản, trong cả lĩnh vực nông nghiệp và nhà máy.
Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng cho biết hiện nhu cầu tiếp nhận TTS trong lĩnh vực nông nghiệp đang tăng lên và các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này để đưa được nhiều TTS sang Nhật Bản.
Tuyển dụng: dễ nguồn – lựa chọn khắt khe
Sau khi phía Hàn Quốc tạm dừng đối với lao động Việt Nam do tỷ lệ bỏ trốn quá cao, nguồn lao động xuất khẩu ở các địa phương không còn quá căng thẳng như trước. Một số lượng lớn lao động không còn kỳ vọng, chờ đợi đi Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng đăng ký đi các thị trường khác, trong đó Nhật Bản là lựa chọn cao nhất.
Không còn khó tuyển lao động như năm ngoái song theo ông Lê Nhật Tân thì việc tuyển dụng của phía Nhật Bản đang ngày một khắt khe hơn.“Trước phía bạn chọn 3 lấy 1 thì giờ có những đơn hàng 4-5 người mới lấy được 1 người. Vì vậy chúng tôi phải đẩy mạnh khâu đào tạo, tăng cường trang bị kiến thức cũng như ý thức kỷ luật cho TTS”, ông Tân cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Vui mô tả công việc và điều kiện ăn ở của TTS tại Nhật Bản |
Ông Nguyễn Xuân Vui cũng cho hay TTS đi Nhật yếu tố then chốt là phải biết tiếng Nhật.“ Chương trình TTS khác hoàn toàn chương trình lao động. Vào chương trình này, TTS được rèn nghề, ý thức, kỷ luật lao động do vậy không có ngoại ngữ TTS sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng. TTS chọn thị trường Nhật phải xác định học ngoại ngữ thực chất, không phải để đối phó mà để sang bên kia áp dụng ,sử dụng hàng ngày. Trong lĩnh vực nông nghiệp thì càng cần thiết hơn vì TTS khi về nông trại phải chia lẻ đi làm việc độc lập, nếu ngoại ngữ thấp thì lương sẽ thấp theo, chủ sử dụng cũng không thể bố trí làm thêm giờ nếu tiếng kém.”, ông Vui phân tích.
Điều đáng mừng theo ông Vui là ngày càng có nhiều lao động Việt Nam khi chọn thị trường Nhật Bản ý thức được điều này. Có khá nhiều lao động chấp nhận thời gian đào tạo trước khi xuất cảnh dài( 6 tháng), thậm chí được “giục” đi sớm nhưng chưa tự tin vào vốn ngoại ngữ của mình cũng đã từ chối đi để đợi những đợt tuyển sau.
Hiện có khoảng 70 doanh nghiệp đang cung ứng TTS cho các nghiệp đoàn Nhật Bản song chỉ có khoảng 1/3 trong số này thực sự hoạt động hiệu quả, mỗi năm đưa được số lượng từ 100 TTS trở lên.
Theo các doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường này thì khác với thị trường Đài Loan, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam không nằm ở việc đẩy các loại phí mà ở khâu đào tạo và quản lý TTS trong thời gian hợp đồng.
Điều này thêm nan giải khi từ tháng 7 vừa rồi, theo quy định mới của phía bạn, các doanh nghiệp Việt Nam không được phép thu các khoản đặt cọc chống trốn.
Đây quả thực là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp có TTS tại Nhật bởi vậy các doanh nghiệp đều rất thận trọng khi tuyển nguồn cho chương trình TTS Nhật Bản. Họ lo sẽ phải “ngậm quả đắng” khi tuyển nguồn sơ sài bởi đối tác Nhật Bản khi TTS của doanh nghiệp cung ứng “xảy ra chuyện” thì cánh cửa vào thị trường Nhật Bản sẽ ngay lập tức đóng sập, không có cơ hội để sửa sai.
Anh Phương