Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Odebrecht đã trả 788 triệu USD tiền hối lộ ở 12 nước. Vụ việc có dính líu tới các tổng thống và cựu nguyên thủ, bộ trưởng ở các nước này.
Nghi án nhận tiền “lại quả”
Theo Bộ trưởng Nội vụ Carlos Morán, ông Garcia tự tử chỉ ít lâu sau khi cảnh sát tới nhà ông để thực hiện lệnh bắt tạm giam ông này trong 10 ngày để thu thập chứng cứ về nghi án rửa tiền và nhận hối lộ. Việc tạm giữ này, theo các công tố viên Peru, còn để ngăn chặn khả năng ông Garcia bỏ trốn.
Tuy nhiên, khi cảnh sát có mặt tại nhà để thi hành lệnh bắt vào lúc 6h30 sáng 17/4, cựu Tổng thống nói rằng ông muốn gọi điện cho luật sư riêng của ông và đi vào phòng ngủ. Chỉ ít phút sau đó, cảnh sát nghe thấy tiếng súng vang lên. Khi xông vào phòng ngủ của ông Garcia để kiểm tra, họ phát hiện ông đã bị thương ở đầu. Ngay lập tức, nạn nhân được đưa tới một bệnh viện ở thủ đô để cấp cứu.
Theo Bộ Y tế Peru, ông Garcia đã qua đời vào lúc 10h05 (15h05 GMT) ngày 17/4 vì xuất huyết não ồ ạt từ vết thương do đạn bắn và ngừng tim. Bộ trưởng Y tế Peru Zulema Tomas cho biết, ông Garcia đã được hồi sinh tim ba lần sau khi bị trụy tim trong quá trình phẫu thuật khẩn cấp nhưng vẫn không qua khỏi. Bệnh viện Casimiro Ulloa ở Lima trước đó xác nhận ông Garcia đã trúng “một vết đạn vào đầu”. Ông Erasmo Reyna, luật sư của ông Garcia, cũng đã xác nhận việc vị cựu tổng thống tự tử.
Ông Ricardo Pinedo, thư ký của ông Garcia, cho biết, cựu tổng thống có 4 - 5 khẩu súng là quà tặng của các lực lượng vũ trang. Theo cảnh sát, ông Garcia đã sử dụng một trong những vũ khí đó để tự sát. Ông Garcia là Tổng thống Peru từ năm 1985 tới 1990 và đến năm 2006 đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 kéo dài đến năm 2011.
Vụ tự sát của ông diễn ra khi ông đang bị nghi ngờ đã nhận tiền “lại quả” từ Tập đoàn xây dựng Odebrecht, một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất ở khu vực Mỹ Latin, để đổi lấy hợp đồng xây dựng tuyến tàu điện ngầm ở Lima khi ông đang ở nhiệm kỳ tổng thống thứ 2.
Tuy nhiên, ông Garcia luôn phủ nhận mọi cáo buộc. Trong bài viết gần đây nhất được đăng tải trên mạng xã hội chỉ một ngày trước khi tự tử, vị cựu Tổng thống khẳng định “không có bằng chứng, tuyên bố hay khoản tiền gửi nào” cho thấy ông đã phạm tội, bao gồm cả những lùm xùm liên quan đến Odebrecht.
Trong tuyên bố, ông Garcia cũng cáo buộc các công tố viên Peru đã võ đoán về sự liên can của ông tới vụ bê bối. Cựu Tổng thống Peru còn tuyên bố sẽ không tìm cách bỏ trốn hay trốn tránh nữa, khiến nhiều người nghĩ rằng ông sẽ hợp tác với việc điều tra.
Trước đó, hồi tháng 11/2018, sau khi bị thẩm phán ra phán quyết cấm rời khỏi đất nước trong 18 tháng, ông Garcia từng đề nghị Uruguay cho tị nạn chính trị trong đại sứ quán nước này ở Peru nhưng bị phía Uruguay từ chối. Cựu Tổng thống Peru đã rời khỏi tòa đại sứ 16 ngày sau đó. Dù bị điều tra nhưng cho đến khi tự sát, ông Garcia chưa từng bị khởi tố về bất cứ tội danh nào.
Rắc rối từ Tập đoàn Odebrecht
Các kết quả điều tra đến nay cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2016, Tập đoàn Odebrecht có trụ sở tại Brazil đã đưa hối lộ tổng cộng gần 800 triệu USD để nhận được các hợp đồng xây dựng đường, cầu, đập và đường cao tốc béo bở từ Chính phủ các nước.
Theo các điều tra viên, giới chức tập đoàn này đã chuyển tiền mặt trên toàn cầu, bắt đầu từ các tài khoản ngân hàng ở các công ty bình phong sang các tài khoản tiếp theo rồi từ đó chuyển tới túi của các chính trị gia ở hàng chục quốc gia trên thế giới, bao gồm Peru, Mexico, Venezuela, Colombia, Argentina và Mozambique. Một số khoản tiền hối lộ đã được rửa qua Mỹ.
Vụ việc được xem là một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử hiện đại này có liên quan đến một số tổng thống của các nước ở khu vực Mỹ Latin. Trong đó, Brazil là nước khởi điểm. Odebrecht từ lâu đã là một trong những người khổng lồ trong nền kinh tế của Brazil. Bắt đầu triển khai các dự án ở Peru từ năm 1979, Odebrecht nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những công ty xây dựng chính của Peru, đảm nhận nhiều dự án xây cầu, đường, đập, đường cao tốc quan trọng.
Trụ sở của Odebrecht. |
Tập đoàn này chính là đơn vị đã xây dựng rất nhiều công trình tiếng tăm, từ đấu trường bóng rổ Miami Heat ở Mỹ đến một đập thủy điện ở Angola. Đây cũng chính là đơn vị đã thực hiện dự án xây con đường trị giá 4,5 tỷ USD nối các cảng ven bờ Thái Bình Dương của Peru với lưu vực sông Amazon và hệ thống tàu điện ngầm ở Lima.
Odebrecht còn là đơn vị xây dựng dự án thủy lợi trị giá 1,9 tỷ USD mang tên Chavimochic giúp hỗ trợ tưới tiêu cho một phần sa mạc ở bờ phía bắc Peru, mở đường cho ngành xuất khẩu măng tây và dâu tây từ nước này ra các thị trường thế giới.
Song khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp tại công ty do ông nội sáng lập và là một trong những người có ảnh hưởng nhất tại Brazil, năm 2016, Giám đốc điều hành Odebrecht là Marcelo Odebrecht, đã bị kết án 19 năm tù về các tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng.
Đến năm 2018, Odebrecht đã đồng ý trả khoản tiền 700 triệu USD cho chính phủ Brazil để dàn xếp các cáo buộc có liên quan đến công ty. Đây chỉ là một phần của gói thỏa thuận 2,6 tỷ USD mà Odebrecht đã cam kết chi trả cho Mỹ, Thụy Sĩ và Brazil.
Cũng trong năm 2018, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã bị kết án hơn 12 năm tù vì nhận hối lộ từ công ty. Theo cáo trạng, ông da Silva đã nhận một căn hộ và một mảnh đất tại thành phố Sao Paulo của Odebrecht. Một chính trị gia khác ở Brazil cũng đã bị lôi kéo vào vụ bê bối là cựu Tổng thống Michel Temer.
Tại Ecuador, cựu Phó tổng thống Jorge Glas cũng đã bị tuyên án 6 năm tù vì nhận 13,5 triệu USD từ tập đoàn xây dựng tai tiếng của Brazil vào tháng 12/2017 và sau đó bị miễn nhiệm. Tổng cộng, theo cơ quan công tố, 24 vụ việc đã được mở ra và 22 người tại Ecuador đã bị bắt giữ để phục vụ việc điều tra.
Tại Panama, Odebrecht đã thừa nhận đã trả 59 triệu USD tiền hối lộ. Hai con trai và 3 cựu bộ trưởng của cựu Tổng thống Panama Martin Martinelli đã bị buộc tội nhận hối lộ. Tại Dominica, công ty trên thừa nhận đã trả 92 triệu USD tiền hối lộ để có được các hợp đồng ở nước này. 7 người đã bị buộc tội tham nhũng.
Còn ở Colombia, trong thời gian qua, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra nhằm yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Nestor Humberto Martinez từ chức. Ông Martinez hiện đang dẫn dắt cuộc điều tra về Odebrecht nhưng bị phanh phui từng giữ vai trò cố vấn cho một trong các đối tác của công ty này.
Bốn đời tổng thống vướng nghi án hối lộ
Peru là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ bê bối. Odebrecht thừa nhận đã chi ít nhất 29 triệu USD hối lộ cho các quan chức Peru từ năm 2004. Ngoài ông Garcia, ba cựu tổng thống Peru khác cũng đang bị điều tra vì có liên quan tới hoạt động đưa hối lộ của tập đoàn Brazil. Năm 2018, ông Pedro Pablo Kuczynski đã trở thành tổng thống đầu tiên từ chức vì liên quan đến Odebrecht.
Ông này thừa nhận đã nhận khoảng 15 triệu USD từ công ty trên. Việc từ chức diễn ra sau khi ông Kuczynski mới tại nhiệm Tổng thống Peru được hai năm, từ năm 2016. Cùng trong ngày ông Garcia tự sát, ông Kuczynski đã phải nhập viện vì cao huyết áp. Ông này bị bắt giữ một tuần trước đó và đang bị tạm giam để điều tra theo lệnh tạm giam kéo dài đến ngày 20/4.
Cựu Tổng thống Peru từ năm 2001 đến 2006 Alejandro Toledo cũng bị cáo buộc đã nhận hối lộ 20 triệu USD từ Odebrecht. Sau khi bị nhà chức trách Peru phát lệnh truy nã, ông Toledo trốn tới Mỹ và sống lưu vong.
Peru đã nhiều lần yêu cầu Mỹ dẫn độ Toledo về nước nhưng chưa được đáp ứng. Một cựu tổng thống khác của Peru là ông Alberto Fujimori (nắm quyền từ năm 1990 đến năm 2000), đang thụ án 25 năm vì các tội ác chống lại loài người và tham nhũng.
Con gái của ông là bà Keiko Fujimori hiện đang bị giam giữ vì cáo buộc nhận 1,2 triệu USD tài trợ bất hợp pháp từ Odebrecht cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2011 của bà.