Đánh giá về tiềm năng điện gió tại Lạng Sơn, Tập đoàn GE cho rằng Việt Nam là đất nước có tiềm năng điện gió dồi dào và Lạng Sơn là một trong những tỉnh có tiềm năng tốt cho việc xây dựng các trang trại điện gió ở Việt Nam. Do vậy, GE mong muốn được nghiên cứu, khảo sát và phát triển các dự án điện gió tại tỉnh Lạng Sơn.
GE là một trong những công ty Mỹ đầu tiên thiết lập chi nhánh tại Việt Nam vào năm 1993. GE Việt Nam hiện có khoảng 2.000 nhân viên. Về điện gió, GE cũng chính là một trong những đơn vị sản xuất tuabin gió lớn trên thế giới và đang cung cấp cho nhiều dự án ở Việt Nam.
Cụ thể, Công ty TNHH GE Việt Nam đề xuất tỉnh Lạng Sơn đồng ý cho phép nghiên cứu khảo sát 2 dự án: Dự án Nhà máy Điện gió Chi Lăng tổng công suất dự kiến 165 MW, diện tích đất sử dụng dự kiến 41 ha (xã Hữu Kiên, Quan Sơn, Liên Sơn - huyện Chi Lăng và xã Hữu Lan - huyện Lộc Bình) với mức đầu tư dự kiến là 280,5 triệu USD (tương đương 6.451 tỉ đồng).
Dự án Nhà máy Điện gió Ái Quốc tổng công suất dự kiến 253 MW, diện tích đất sử dụng dự kiến 63 ha (xã Xuân Dương, Nam Quan, Đông Quan, Ái Quốc - huyện Lộc Bình và xã Thái Bình - huyện Đình Lập) với mức đầu tư dự kiến 430,1 triệu USD (tương đương 12.903 tỉ đồng).
Tổng vốn đầu tư của 2 dự án lên tới gần 20.000 tỉ đồng (hơn 700 triệu USD), thời gian nghiên cứu khảo sát dự kiến hai dự án này là từ tháng 12/2020 đến tháng 12/2022. Thời gian phát điện dự kiến là 2024-2025.
Với những địa thế thuận lợi, Lạng Sơn đã và đang là lực chọn của các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất điện gió. Tiếp theo GE, Tập đoàn BayWa r.e (Singapore) cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị tiếp quản các hoạt động liên quan đến khảo sát, nghiên cứu, bổ sung quy hoạch 3 dự án nhà máy điện gió Lộc Bình, điện gió Cao Lộc, điện gió Văn Quan.
Sự xuất hiện của các dự án điện gió, nguồn năng lượng tích cực, hiện đại, Lạng Sơn đang sở hữu một ưu thế nổi trội, nâng tầm diện mạo để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào kinh tế tỉnh./.