Gần 1.000 tỷ đồng hỗ trợ địa phương
Tại Hội nghị, ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - cho biết, giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Lai Châu xác định trong các giai đoạn qua. Vì từ khi mới tái thành lập, Lai Châu là một trong những "lõi" nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ đói, hộ nghèo cao, có những vùng, những dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 100%.
Sau những nỗ lực của Trung ương và các tập đoàn kinh tế, năm 2018, huyện Than Uyên và huyện Tân Uyên đã hoàn thành các mục tiêu và ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Năm 2020, huyện Tân Uyên đã là huyện nông thôn mới.
“Những kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có sự đồng hành và hỗ trợ quan trọng của EVN” - Phó Chủ tịch Tính nhấn mạnh.
Theo vị này, giai đoạn 2009-2021, EVN đã hỗ trợ cho tỉnh Lai Châu trên 940 tỷ đồng để thực hiện các nội dung hỗ trợ: “Phát triển lưới điện nông thôn, “Xây trường dân tộc nội trú, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, ký túc xá cho học sinh bán trú”, “Hỗ trợ điều kiện sinh hoạt cho học sinh”, “Hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông thôn bản” trên địa bàn 3 huyện nghèo Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ. Đây là nguồn lực quan trọng để giúp tỉnh Lai Châu thực hiện các mục tiêu giảm nghèo.
“Chúng tôi hy vọng với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2009-2021, EVN sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành với tỉnh Lai Châu. Trong đó, tập trung hỗ trợ những nội dung Tập đoàn có thế mạnh như phát triển lưới điện nông thôn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 35 thôn bản chưa có điện, gần 5.000 hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Chúng tôi có niềm tin vững chắc, với sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân, sự đồng hành của các tổ chức, trong đó EVN là một phần quan trọng, chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã xác định” - ông Tính kỳ vọng.
Bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu trao Bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho EVN và EVNNPC |
Thu nhập đầu người của 3 huyện cao hơn toàn tỉnh
Báo cáo tại Hội nghị, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN - cho biết, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a, EVN đã phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu, UBND các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ để khảo sát thực trạng, xác định nhu cầu cần hỗ trợ, nghiên cứu đề xuất các nội dung hỗ trợ trên cơ sở các thế mạnh của EVN và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu từng huyện và người dân trong từng giai đoạn.
Cụ thể, EVN đã sử dụng các nguồn vốn của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn của Tập đoàn để đầu tư hệ thống điện, cấp điện cho hơn 32.900 hộ dân nông thôn tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ.
Ông Bùi Xuân Thành - Giám đốc PC Lai Châu (đơn vị thay mặt ngành Điện triển khai một số chương trình an sinh) báo cáo quá trình triển khai công trình Trường bán trú Mù Sang |
Bên cạnh đó, hàng năm, EVN thường xuyên đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện tại 3 huyện, đảm bảo cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế xã hội trên các huyện.
Ngoài ra, EVN còn thực hiện các chương trình an sinh xã hội như xóa nhà tạm cho 2.511 hộ, chiếm tỷ lệ 83,6% số nhà tạm được xóa; xây dựng, bàn giao 56 “nhà bán trú dân nuôi” trên địa bàn 16 xã, tại các trường do UBND tỉnh; hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho 24 điểm trường mầm non (47 phòng học) tại trung tâm 13 xã.Kết quả đầu tư cấp điện trong giai đoạn 2009-2021 có bước tiến vượt bậc, đưa Lai Châu từ tỉnh có tỷ lệ số hộ dân có điện thấp nhất cả nước (chỉ có 37% xã và 43% hộ dân có điện năm 2008) đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia vào năm 2015. Đến cuối năm 2020, trên 95% hộ dân đã có điện, vượt trước 6 tháng so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2016-2020. Năm 2021, tỷ lệ hộ dân có điện là 97,7%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2021-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng tặng bằng khen cho các cá nhân, đơn vị có thành tích |
EVN cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 4 trường học với tổng kinh phí 40,5 tỷ đồng. Bao gồm Trường dân tộc nội trú tại thị trấn Tân Uyên với giá trị 15 tỷ đồng, trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS xã Nậm Sỏ, 1 trường dân tộc nội trú huyện Than Uyên và 1 trường PTDT bán trú tiểu học Mù Sang với giá trị 12,2 tỷ đồng. EVN hỗ trợ kinh phí mua và cung cấp 6.749 tấn xi măng để làm 72,7km đường giao thông thôn bản tại 08 xã xây dựng nông thôn mới…
Đáng chú ý, theo báo cáo, mức tăng thu nhập bình quân đầu người của các huyện do EVN hỗ trợ giai đoạn 2009-2021 đều cao hơn so với toàn tỉnh. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người huyện Than Uyên tăng 6,6 lần lên 41 triệu đồng năm 2021; huyện Tân Uyên tăng 6,05 lần lên 36,32 triệu đồng năm 2021; huyện Phong Thổ tăng 7,17 lần lên 34 triệu đồng năm 2021.