Đồng thời, ông cũng xác định trách nhiệm của cán bộ để xảy ra tình trạng này, lấy đây làm căn cứ để xếp loại cán bộ, bình xét thi đua, lên lương, lên chức hoặc phải bị phê bình, kiểm điểm, thậm chí bị kỷ luật.
Tin rằng sau những động thái quyết liệt này, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện đáng kể, mang lại lợi ích cho sự phát triển của xã hội; đồng thời dần loại bỏ tâm lý e dè, sợ sai của một số cán bộ hiện nay, khuyến khích và tạo điều kiện cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa phát hiện ở một số địa phương không trích quỹ đất 20% theo quy định cho nhà ở xã hội - một trong những dự án an sinh xã hội cho người nghèo. Thậm chí, có nơi quy hoạch nhà ở xã hội tại nghĩa trang hoặc những khu vực chưa giải tỏa, dễ thấy các quỹ đất kiểu này rất khó khả thi. Cách ứng xử như vậy với một chủ trương nhân văn, vì dân của Nhà nước khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Sổ hộ khẩu bị “khai tử” là một bước chuyển lớn trong tư duy và cách quản lý xã hội, tạo điều kiện để nguyên tắc hiến định “tự do cư trú” trở thành hiện thực. Thủ tục phiền hà “chứng nhận nơi cư trú” trong thời gian qua là ví dụ cho một thực tế tréo ngoe từng tồn tại nhiều năm là “có hộ khẩu mới được mua nhà và phải có nhà mới được cấp hộ khẩu”.
Sự phiền hà này còn lan cả sang một số doanh nghiệp. Một công ty bán ô tô quy định là người có hộ khẩu ở đâu thì chỉ được mua ô tô ở đại lý đóng tại địa phương đó, bất chấp sự thuận lợi của khách hàng.
Những vụ trọng án gần đây liên quan đến những đường dây tham nhũng lớn, người có chức vụ cao cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai có tâm lý tham nhũng. Ở quy mô nhỏ hơn, trước khi khởi tố một chủ đầu tư về tội “lừa dối khách hàng” thì những cán bộ có trách nhiệm để sai phạm xây dựng xảy ra cũng bị khởi tố và bắt giam. Đó là sự cảnh báo và ngăn chặn hiệu quả những sai phạm tương tự trong thì hiện tại và tương lai.
Tiền đề cho các ứng xử văn minh được bắt đầu từ những vụ việc như vậy.