Xây dựng môi trường sống hạnh phúc cho các em
Chị Nguyễn Thanh Huyền (47 tuổi, Nhật Tân, Hà Nội) chia sẻ, chị có hai người con đang trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Đây là lứa tuổi nhạy cảm, dễ bị bạn bè, kẻ xấu rủ rê lôi kéo vào con đường sai trái. Theo chị, cách để tạo ra những “viên thuốc kháng sinh” đầu tiên cho giới trẻ chính là gia đình, môi trường sống hạnh phúc và được bố mẹ thấu hiểu.
Chị tâm sự: “Xã hội phát triển, lớp trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc với những luồng thông tin mới. Các cháu ngày càng tự tin bộc lộ “cái tôi” của mình. Đây vừa là điều tốt, ngược lại sẽ là một thách thức cho các bậc cha mẹ khi phải định hướng cho con cái trong tương lai. Đối với tôi, cách tốt nhất là luôn dành thời gian cho con, cùng tâm sự, chia sẻ với các cháu. Ủng hộ những hành động đúng đắn và điều hướng các mối quan hệ xã hội của con cái”.
Dù công việc bận rộn, phải thường xuyên đi công tác. Nhưng mỗi tuần hai lần, chị lại cùng các con ra ngoài mua sắm, xem phim, ăn uống. Đây là khoảng thời gian cả gia đình vui chơi, tâm sự, trò chuyện với nhau. Chị Huyền chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ: “Trong độ tuổi dậy thì, con trai lớn của tôi tò mò về nhiều thứ. Cháu có vốn ngoại ngữ tốt, tiếp xúc với phim ảnh, sách báo, âm nhạc nước ngoài từ sớm.
Được bạn bè rủ rê, con từng đến quán bar dành cho các anh chị sinh viên. Sau khi vợ chồng tôi biết được, chúng tôi đã khéo léo tách cháu ra khỏi những người bạn xấu, giúp cháu tạo dựng mối quan hệ với những anh chị gia sư ở các trường đại học lớn và bạn bè có ý chí, nghị lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện”. Hiện tại, con trai chị Huyền đã hơn 19 tuổi và đang là một sinh viên tốp đầu về học tập, tích cực tham gia những hoạt động ngoại khóa.
Cũng giống như chị Huyền, anh Nguyễn Văn Phong (50 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, anh có ba người con hai trai, một gái. Anh cho biết, nền tảng giúp giới trẻ tránh khỏi các tệ nạn xã hội như HIV là một gia đình hạnh phúc và tràn ngập tình yêu thương. Anh tâm sự: “Tình yêu thương, quan tâm của cha mẹ dành cho con cái sẽ giúp các con có sức khỏe tinh thần, ý chí kiên cường chống lại các cám dỗ của những tệ nạn xã hội”.
Ngay từ khi các con bước vào tuổi dậy thì, anh và vợ đã dạy các cháu về sức khỏe tình dục. Anh chia sẻ: “Giới trẻ ngày nay sống thoải mái và tự do hơn chúng tôi khi xưa. Việc các cháu phát sinh quan hệ sớm hoàn toàn có thể xảy ra. Để đảm bảo an toàn cho các con, vợ chồng tôi đã có những buổi nói chuyện về giới tính, biện pháp an toàn tình dục cho các con từ năm 12, 13 tuổi”. Anh cho biết, đây là “tấm khiên” giúp các con không gặp phải hệ lụy khi quan hệ không an toàn như: có thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh phụ khoa và đặc biệt là lây nhiễm HIV.
Mạng xã hội ẩn chứa nhiều kênh “mại dâm” trá hình, khiến nhiều người trẻ quan hệ không an toàn mắc căn bệnh thế kỷ HIV. (Ảnh minh họa - Nguồn: Phương Nam vina) |
Thực tế, do cuộc sống kinh tế ngày càng phát triển, nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ đời mình đã khổ nhiều nên muốn con cái được sống trong đủ đầy. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ít khi nghĩ chính điều này đã làm cho con họ có cơ hội tham gia vào các cuộc vui, cuộc chơi mà từ đó, mắc phải các TNXH lúc nào không hay biết. Đôi lúc người lớn không hiểu nổi tại sao con trẻ lại có thể vừa ăn nhậu, vừa nhảy nhót ngả nghiêng với tiếng nhạc xập xình đau cả đầu.
Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh chưa bao giờ đi bar hay đi pub… trong khi đó, đây lại là tụ điểm yêu thích của nhiều thanh, thiếu niên ngày nay. Từ việc tụ tập ăn chơi dẫn đến cá độ, đề đóm, rồi bị rủ rê hút thử, tiêm thử ma túy, quan hệ tình dục không an toàn… dần dần sa vào tệ nạn, nghiện ngập, nặng hơn mang căn bệnh thế kỷ HIV từ khi nào không hay biết.
Cũng có trường hợp, do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc, vì vậy các em coi mạng xã hội như ngôi nhà thứ hai. Thế kỷ XXI, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn nhiều mặt tiêu cực nếu không có sự quản lý chặt chẽ. Nhiều kẻ đã lợi dụng mạng xã hội, lan truyền các loại hình văn hóa độc hại, game online, phim ảnh bạo lực, đồi trụy... đã làm cho một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu sự quản lý của gia đình bị tiêm nhiễm, mê muội, học đòi dẫn đến lối sống sa ngã. Trong đó, không ít thanh, thiếu niên đã “bán dâm” thông qua những app tìm “bạn tình” trên mạng, rồi không may mắn nhiễm HIV sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Đây là một cú sốc rất lớn đối với những thanh, thiếu niên mới 14, 15 tuổi. Nhiều em do nghĩ quẩn đã kết thúc cuộc đời để trốn tránh sự thật, để lại tiếc nuối, đau đớn cho gia đình, người thân thiết.
Tăng cường tuyên truyền giúp thanh, thiếu niên tránh xa HIV
N.T.M (18 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, em thường xuyên sử dụng các ứng dụng hẹn hò trên các app. T.M hay nhận được tin nhắn hẹn hò, gặp mặt và phát sinh các mối quan hệ. May mắn, T.M thường xuyên theo dõi các tin tức trên các kênh truyền thông dành cho giới trẻ, nên em luôn dùng các biện pháp an toàn. Em chia sẻ: “Thông qua báo đài, em biết được trên các app hẹn hò tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Có những trường hợp sau khi phát sinh quan hệ mới, “đối tác” mới tiết lộ mình bị HIV, nguy cơ lây nhiễm lên đến 90%. Vì vậy, em luôn cảnh giác và cẩn thận trong các mối quan hệ”.
T.T.A (28 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết, ngay từ thời học cấp III, trường của anh đã giáo dục rất kỹ vấn đề phòng tránh tệ nạn xã hội. Anh nói: “Tôi biết có ba con đường lây nhiễm HIV, đó là đường tình dục, lây từ máu và từ mẹ sang con”. Điều này giúp T.A không bao giờ chủ quan khi tiếp xúc với người lạ như ăn chung, uống chung, động chạm khi cơ thể đang có vết thương. Đặc biệt, T.A luôn đảm bảo an toàn quan hệ tình dục với bạn gái.
Ngay trước khi kết hôn, anh cùng vợ đi xét nghiệm để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Anh chia sẻ: “Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25 - 30%. HIV có thể lây từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi mẹ cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá 3 năm. Vì vậy, sức khỏe của người mẹ, người bố rất quan trọng”.
Giáo dục và truyền thông xây dựng một cuộc sống lành mạnh hơn cho người trẻ. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Công An Đà Nẵng) |
Thực tế, tại báo cáo Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về công tác phòng, chống mại dâm những tháng đầu năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các đối tượng liên quan thường tiến hành giao dịch trên không gian mạng. Cách thức thanh toán cho hành vi “mua, bán” qua khâu trung gian, bằng tài khoản ngân hàng không chính chủ, nạp tiền qua các đại lý game online, thậm chí dùng tiền ảo, nên các lực lượng chức năng rất khó phát hiện...
Tình trạng lây nhiễm HIV đang trẻ hóa và tăng nhanh là mối đe dọa rất lớn đến nền kinh tế vì giới trẻ là lực lượng lao động chính của xã hội. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng tới chất lượng dân số, sức khỏe nòi giống của quốc gia vì đây là độ tuổi kết hôn, sinh con chủ yếu. Nếu chúng ta không nghiêm túc hoặc không thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống HIV thì sự gia tăng số ca nhiễm mới ngoài việc tác động đến sức khỏe, đến nòi giống, chất lượng dân số sẽ còn ảnh hưởng đến văn hóa, an ninh chính trị. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng công tác truyền thông giáo dục về phòng, chống HIV tại các trường đại học và giới trẻ nói chung, coi công tác truyền thông nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên là vấn đề cốt lõi nhằm kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm theo mục tiêu đã đề ra…
Ngoài công tác truyền thông, các gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội cần nâng cao trách nhiệm giáo dục, cảnh báo và tuyên truyền giúp giới trẻ hiểu được tác hại của TNXH. Từ đó kiểm soát hành vi của mình, đồng thời tác động đến bạn bè, người thân để phòng, tránh TNXH.
Việc tuyên truyền, giáo dục có thể thông qua sách, báo, các phương tiện truyền thông đại chúng; qua các trang thông tin hoặc thông qua hoạt động dạy và học tại nhà trường với các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; nói chuyện chuyên đề hoặc tích hợp lồng ghép trong dạy học các môn học, cũng như các hoạt động xã hội của các tổ chức đoàn, đội, hội, nhóm… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực có liên quan đến TNXH và có chế tài xử phạt nghiêm đối với những người có hành vi vi phạm.