Ngày 28/1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Nguyễn Kim Tinh, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị và đại diện các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản.
Báo cáo kết quả công tác, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Phạm Tuấn Ngọc cho biết, trong năm 2018, Cục đã nỗ lực triển khai đồng bộ các lĩnh vực công tác, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao thể hiện trên một số kết quả nổi bật như: Hoạt động quản lý, điều hành có sự chỉ đạo quyết liệt hơn, bám sát được chương trình, kế hoạch công tác và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh; Công tác xây dựng thể chế đã chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, qua đó từng bước hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm cho nhiều địa phương, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác đăng ký và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm ngày càng phát triển.
Nổi bật, số lượng đơn tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ đăng ký trực tuyến luôn chiếm trên 64% tổng số đơn yêu cầu. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, hệ thống đăng ký trực tuyến được bảo đảm an toàn và hoạt động thông suốt. Hoạt động hợp tác quốc tế được Cục quan tâm, thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ về công tác đối ngoại…
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế và cả những khó khăn như một số công việc còn chậm tiến độ, chất lượng tham mưu chưa xứng tầm, hiệu quả chưa cao. Công tác đăng ký, cung cấp thông tin đôi lúc còn để xảy ra sai sót.
Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật có nơi, có lúc chưa nghiêm. Một số văn bản liên quan đến công tác tổ chức cán bộ còn chậm được ban hành, trong đó Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV đã bị bãi bỏ và dự thảo văn bản liên quan lại chưa được ban hành nên việc thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức chưa được giải quyết kịp thời…
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Lê Thành Long biểu dương và cảm ơn những cố gắng, nỗ lực của Cục Đăng ký vào thành tích chung của Bộ, ngành và đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao dịch tài sản.
Theo đó, Bộ trưởng ghi nhận những ưu điểm là đã tham mưu ban hành được 2 thông tư, trình được Đề án đăng ký tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao được tỷ lệ đăng ký trực tuyến đăng ký, doanh thu…
Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, Bộ trưởng cho rằng, cần ý thức được bối cảnh, tầm quan trọng của công tác này đang ngày càng được khẳng định nên đòi hỏi phải xác định được hướng phát triển lâu dài với các giải pháp đồng bộ, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng rõ nét.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng yêu cầu Cục tập trung hoàn thiện Đề án đăng ký tài sản đã trình Chính phủ, phải theo sát để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo định hướng dài hơi hơn cho công tác đăng ký tài sản.
Một lần nữa biểu dương Cục Đăng ký là đơn vị dẫn đầu ngành về ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin để tăng cường hơn nữa việc ứng dụng. Ngoài ra, phải kịp thời xử lý vướng mắc thực tiễn trong quá trình thanh, kiểm tra, có nhiều thông tin mang tính giá trị gia tăng nhằm nâng cao vị thế hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho Cục và các Trung tâm…