Thông tin tại buổi họp báo về những nội dung mới của Luật QLT số 38/2019/QH14 do Tổng cục Thuế tổ chức ngày hôm qua (27/8), ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Luật QLT số 38/2019/QH14 gồm 17 chương, 152 điều đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Luật QLT bao quát hết tất cả những nội dung từ những vấn đề chung về QLT, đến quy định về trách nhiệm của những cơ quan (CQ) tổ chức trong QLT, cũng như quy định tất cả các khâu trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế của NNT và các công việc liên quan đến quản lý của CQ thuế.
Đặc biệt, Luật cũng bao quát việc quản lý về các vấn đề thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật số, quản lý giao dịch liên kết, chống chuyển giá...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh một trong những yêu cầu của Luật QLT sửa đổi lần này là nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế, trong đó coi trọng phát triển thành phần kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục QLT hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện cũng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong việc sửa đổi Luật QLT lần này.
Cùng với đó, Luật cũng sẽ phải tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại cho công tác QLT, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến QLT điện tử, giao dịch điện tử trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
So với Luật hiện hành, Luật QLT số 38/2019/QH14 gồm 17 chương, 152 điều, trong đó kết cấu lại, bổ sung 3 chương mới: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của CQ, tổ chức và cá nhân trong QLT (Chương II); Áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử (Chương X); và Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm thủ tục hải quan (Chương XII).
Liên quan đến đến quyền của NNT, Luật QLT số 38/2019/QH14 đã bổ sung thêm 4 quyền cho NNT. Cụ thể: (1) Bổ sung nội dung NNT không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do NNT thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của CQ thuế, CQ nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của NNT;
(2) được quyền nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các CQ chức năng khi tiến hành thanh tra kiểm tra, kiểm toán; (3) Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của CQ QLT và (4) được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với CQ QLT và các CQ, tổ chức có liên quan.
“Các nội dung bổ sung này nhằm tạo điều kiện cho NNT trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, đảm bảo các quyền trong giao dịch điện tử đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của CQ thuế khi thực thi công vụ...”- ông Lưu Đứng Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Về quyền hạn và trách nhiệm của CQ QLT, Luật QLT số 38/2019/QH19 bổ sung quy định CQ QLT thực hiện xây dựng, tổ chức hệ thống thông tin điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; Bổ sung quyền của CQ QLT về mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của các đơn vị cung cấp trong nước và nước ngoài để phục vụ công tác QLT.
Liên quan đến quyền lợi NNT, Luật QLT số 38/2019/QH14 đã điều chỉnh thời hạn kiểm tra tại trụ sở NNT không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Đối với các trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở NNT.
Đặc biệt, Luật QLT số 38/2019/QH14 đã bổ sung trường hợp không xử phạt về thủ tục thuế đối với hành vi chậm nộp hồ sơ quyết toán thu nhập cá nhân và có phát sinh số thuế được hoàn đối với cá nhân trực tiếp quyết toán…