Ban Dân vận Thành ủy đang chuẩn bị tiến hành tổng kết 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đã có hàng trăm mô hình “dân vận khéo” được lựa chọn, biểu dương ở các cấp. Vấn đề đặt ra hiện nay là đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của các mô hình này trong thực tế để nhân rộng, tăng sức lan tỏa.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, phường Vĩnh Niệm quận Lê Chân vận động hàng chục hộ dân ở ngõ 213 đường Thiên Lôi hiến đất mở đường, tạo thuận tiện cho nhân dân đi lại Ảnh: Duy Lân |
Cần nhiều mô hình “dân vận khéo” trong phát triển kinh tế
Thời gian qua, Thành ủy tập trung chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” trên cả chiều rộng, chiều sâu và đạt được những kết quả thiết thực, đưa Hải Phòng trở thành một trong những điểm sáng trong cả nước về thực hiện sáng tạo phong trào “Dân vận khéo”.
Các mô hình “Dân vận khéo” tập trung khá nhiều vào lĩnh vực văn hóa-xã hội với các mô hình phổ biến như: vận động nhân dân hiến đất làm đường, mở rộng đường, ngõ; mô hình vận động nhân dân trong thu gom rác thải; vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự; tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng quỹ khuyến học tại địa phương, dòng họ; vận động nhân dân trong thực hiện nếp sống mới, xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang… Trong khi đó, mô hình “dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế còn ít, với một số mô hình như: “Câu lạc bộ đánh cá xa bờ” (phường Ngọc Hải, Đồ Sơn); mô hình “3 phát triển, 2 khuyến khích” vận động nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo); vận động nhân dân thâm canh tăng vụ xây dựng những cánh đồng cho thu nhập từ 80-120 triệu đồng/ha ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng); mô hình vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp ở xã Đông Sơn (Thủy Nguyên).
Không nhiều những mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế, phần lớn các mô hình đều nằm ở khối ngoại thành và lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là phát hiện, xây dựng nhiều mô hình “dân vận khéo” cần có sự cân đối giữa các khu vực nội, ngoại thành, giữa kinh tế với văn hóa-xã hội… nhằm phản ánh sự đang dạng, phong phú của các mô hình “dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đây cũng là ý kiến của đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy Dương Anh Điền đối với công tác tổng kết, biểu dương, nhân rộng các mô hình “dân vận khéo”: “Thành phố Hải Phòng là thành phố có đa dạng về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Trong thực tế, các lĩnh vực đều có các mô hình “dân vận khéo” cũng như điều kiện để xây dựng các mô hình “dân vận khéo”. Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải nhân rộng được những mô hình đó.
Lựa chọn những mô hình quan trọng
Các mô hình “dân vận khéo” đều cần được nhân rộng. Những mô hình có thể đáp ứng những nhiệm vụ trọng tâm, hoặc những yêu cầu bức xúc của xã hội cần được nghiên cứu xây dựng và nhân rộng.
Căn cứ vào tình hình thực tế phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội của thành phố, một số ý kiến cho rằng, trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng -an ninh, những mô hình “dân vận khéo” trong vận động nhân dân xây dựng đời sống mới, giải phóng mặt bằng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự rất cần được quan tâm nhân rộng. Đơn cử, như mô hình “vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội ở thôn Trâm Khê (xã Đại Thắng) được đánh giá là mô hình hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và có khả năng nhân rộng cao. Tuy nhiên, cho dù các cơ quan tuyên truyền cũng tích cực vào cuộc, nhưng sự lan tỏa của mô hình cũng chưa rõ. Trong khi đó, vấn đề thực hiện nếp sống văn minh đang vấp phải xu hướng ngược lại, đó là sự phô trương, lãng phí trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, nhất là trong tổ chức việc tang. Xu hướng này dường như chưa được nhìn nhận đúng nguy cơ, tác hại, đang trở thành một vấn đề khá bức xúc, xã hội quan tâm. Hoặc các mô hình như “Giải phóng mặt bằng ở xã Đông Sơn, Thủy Nguyên”, mô hình “Hiến đất mở ngõ” ở phường Máy Tơ (Ngô Quyền), phường Trại Chuối (Hồng Bàng) đều là những mô hình khó thực hiện nhưng có tác động rất lớn đến công tác phát triển kinh tế xã hội, chỉnh trang đô thị…
Có mô hình tốt, nhưng nhân rộng, áp dụng ở các địa phương khác không dễ bởi nhiều nguyên nhân. Nhưng dù thế nào, cùng với sự chỉ đạo của Thành ủy, cần có sự quyết liệt vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, bởi đây là điểm cuối của quá trình chỉ đạo, thực hiện. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là đánh giá lại sự lan tỏa của các mô hình đã từng được biểu dương, và đánh giá cho đúng vấn đề nhân rộng các mô hình điển hình “dân vận khéo”. Nếu không, mô hình vẫn chỉ là “mô hình” tham quan, chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp, tác động và đóng góp cho phong trào chung, cho xã hội không lớn. Như vậy thì một mục tiêu quan trọng của “Dân vận khéo” chưa được thực hiện.
Việt Anh