10 người gặp nạn, chỉ 4 người sống sót
Từ khuya 25/2, tiếng nấc nghẹn, tiếng kêu khóc, tiếng kèn trống não nề cả một vùng quê thuộc xã Đại Cường (huyện Đại Lộc). Đêm định mệnh 25/2 đã cướp đi sinh mạng 6 người trong làng. Họ là ba mẹ con (lần lượt SN 1990, 2015, 2016) và ba cha con (người cha chồng SN 1965 và hai vợ chồng cùng SN 1993).
Một người dân thôn Khương Mỹ kể, chiều 25/2, 10 người lên chiếc ghe nhỏ sang sông Vu Gia để làm đồng. Khi chiếc ghe lênh đênh giữa dòng sông lớn, bất ngờ gặp sự cố lật úp. Nghe tiếng kêu cứu, người làng nháo nhào ra ứng cứu, vớt được 4 người, 6 nạn nhân xấu số chìm dần xuống đáy sông sâu. Ai cũng nguyện cầu điều kỳ diệu. Nhưng rồi, từng phút, từng giờ trôi qua. Từng người, từng người một được công an, quân đội tìm thấy xác.
Chưa hết bàng hoàng, bà Nguyễn Thị Tiềm, người thoát nạn trong vụ chìm ghe, kể trong nước mắt, sáng cùng ngày, hai mẹ con bà cùng đi trên chiếc ghe qua bên kia gò đất để phụ làm hoa màu. Khi chiều về, đến giữa sông gặp gió chướng, chiếc ghe bị chòng chành rồi bất ngờ lật khiến cả 10 người rơi xuống sông.
“Lúc đó, ai cũng hoảng hốt cố tìm cách cứu các cháu nhỏ, nhưng do nước sông sâu nên bị chìm nhanh. Riêng tôi cố bơi rồi la làng “cứu mẹ con tôi với”. Sau khi nghe hô cứu, có tàu hút cát gần đó đã chạy đến cứu. Đến khi tỉnh lại, tôi mới phát hiện mình đang ở bệnh viện. Đau xót quá”, bà Tiềm nói.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, ngay khi nhận được thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Khoảng 10 tiếng sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng với nhân lực lên đến hơn 200 người đã tìm thấy 6 nạn nhân tử vong.
Ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trước mắt, huyện trích ngân sách ủng hộ mỗi nạn nhân bị chết 6 triệu đồng và 3 triệu đồng/nạn nhân bị thương. Chính quyền sẽ đồng hành để phần nào xoa dịu nỗi đau mà gia đình họ phải gánh chịu. Ngoài ra, ông Phan Ry, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam cũng đã đến thăm hỏi và động viên các gia đình nạn nhân xấu số. Hội hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân 1 triệu đồng, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ các gia đình nạn nhân.
Ngày 26/2, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trực tiếp thăm hỏi các gia đình nạn nhân tử vong do lật đò trên sông Vu Gia cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đến 2 gia đình có nạn nhân tử vong thương tâm.
Với những người được cứu sống, ngày 26/2, ông Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam thông tin, sức khỏe của 4 nạn nhân trong vụ chìm ghe ở sông Vu Gia đã ổn định. 4 người này đã được xuất viện về nhà trong sáng cùng ngày.
Tử nạn khi qua sông mưu sinh
Trong căn nhà của ba mẹ con tử nạn, khói nhang nghi ngút, 3 chiếc quan tài được đặt sát nhau, chiếm gần hết diện tích, phía trước di ảnh xếp ngay ngắn trên bàn thờ. Những bức ảnh thờ được cắt vội từ ảnh đời thường, khuôn mặt của 2 cháu bé ngây thơ, rạng rỡ khiến ai nhìn thấy cũng xót xa.
“Người mẹ làm giáo viên, do đợt dịch này cô được nghỉ, 2 con cũng nghỉ. Ở nhà chẳng ai chăm con nên cô đưa theo sang sông làm ruộng. Ai ngờ...”, một người hàng xóm nghẹn ngào.
Với ba cha con tử nạn, người con dâu đang mang thai 4 tháng tuổi. Theo người thân, chị quê ở xã Bình Triều (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vừa về làm dâu tại đây. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị sang bãi bồi chăm sóc hoa màu giúp gia đình chồng, nhưng rồi mãi không còn trở về nữa.
Theo tìm hiểu, bao đời nay để mưu sinh, người Đại Cường vượt dòng Vu Gia sang bãi bồi làm nông nghiệp. Nhà cửa bên này nhưng đất đai, vườn tược của họ đều ở bên kia sông. Những vụ tai nạn sông nước thi thoảng cũng diễn ra, nhưng chưa bao giờ tang thương như lần này.
Theo thông tin từ chính quyền thôn Khương Mỹ, địa bàn có rất nhiều gia đình sinh sống bằng nghề nông, có ruộng nương bên kia bãi bồi sông Vu Gia. Do đó, bắt buộc họ phải “đánh cược” mạng sống với dòng sông dữ sang sông mưu sinh. Người dân cũng được tuyên truyền việc sử dụng áo phao khi đi ghe nhưng họ vẫn chưa chú trọng. Đây cũng là nguyên nhân phần nào dẫn đến thảm kịch.
Ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, đây không phải bến đò, không phải hoạt động kinh doanh mà người dân tự dùng ghe của mình để đi lại. Việc sử dụng phương tiện dân sinh trong quá trình đi lại, sản xuất hiện nay còn rất nhiều bất cập.
Được biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa vào hiện trường để phối hợp với tỉnh Quảng Nam chỉ đạo khắc phục hậu quả. Các cơ quan chức năng sẽ có buổi làm việc với nhau để làm rõ về nguyên nhân vụ tai nạn và các chế tài xử lý đối với hoạt động tự phát của người dân, dùng ghe tham gia giao thông đường thủy.