Tăng thuế thuốc lá: Giải pháp tránh tác hại về kinh tế, ngăn ngừa tử vong sớm

Các sản phẩm thuốc lá mới nhập lậu được bán khá tràn lan khiến tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ. (Ảnh: Sở ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên).
Các sản phẩm thuốc lá mới nhập lậu được bán khá tràn lan khiến tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ. (Ảnh: Sở ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam có thuế suất thuốc lá thấp và điều này dẫn đến mất nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như làm tăng sức mua người tiêu dùng, dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho xã hội và sức khỏe con người. Vì vậy, việc tăng thuế thuốc lá là một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay.

Thuế thấp khiến thuốc lá ở Việt Nam rẻ và trở nên dễ mua hơn

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 4,5 tỷ USD trong năm 2022, tương đương 1.14% GDP (so với trung bình 0.9% của GDP với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương). Trong đó bao gồm0.7 tỷ USD chi phí y tế trực tiếp hàng năm để điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra (tương đương 4.3% chi phí y tế, so với trung bình 3.8% ở các nước khu vực Tây Thái Bình Dương).

Gánh nặng kinh tế do thuốc lá gây ra ở Việt Nam đã ở mức cao hơn khoảng 10% so với các nước khác trong khu vực nơi mà nạn dịch thuốc lá đã ở giai đoạn muộn hơn.

Do vậy, theo ThS BS. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Việc đánh thuế thuốc lá sẽ giúp người dùng giảm tiêu dùng và giảm lượng hút thuốc.

ThS BS. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh:PV).

ThS BS. Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh:PV).

Theo ThS BS. Nguyễn Tuấn Lâm, tại Việt Nam hiện nay thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp. Tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá năm 2020 ở Việt Nam chỉ là 38%, trong khi ở các nước thu nhập trung bình là 59%. Giá thuốc lá càng trở nên rẻ, dễ tiếp cận hơn ở Việt Nam do thu nhập tăng lên – điều này cũng khuyến khích tiêu thụ, ngay cả giới trẻ và người nghèo cũng có thể mua sử dụng.

Cụ thể, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước châu Á – Thái Bình Dương, giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam năm 2022 là 3,2 $PPP/gói (PPP $: đô la quốc tế đã điều chỉnh theo sức mua ngang giá), so với trung bình 5,6 $PPP/gói ở các quốc gia có thu nhập trung bình.

Bên cạnh đó, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam cũng còn nhiều bất cập. ThS BS. Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, hệ thống thuế tiêu thụ đặc chỉ dựa trên tỷ lệ phần trăm gây tình trạng khó quản lý. Vì vậy, cần phải tăng thuế đối với tất cả các sản phẩm không tốt cho sức khỏe ở Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá.

“Việt Nam nên áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới theo phương pháp hỗn hợp đối với thuốc lá càng sớm càng tốt. Tỷ trọng thuế tuyệt đối trong hệ thống thuế hỗn hợp này phải được đặt ở mức cao nhất có thể để bảo vệ sức khỏe cộng đồng” – Ths BS Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.

Thuốc lá thế hệ mới độc hại như thuốc lá truyền thống

Chia sẻ thêm thông tin về thuốc lá mới, ThS BS. Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới có 3 nhóm, bao gồm: Thuốc lá điện tử có chứa nicotine (Electronic nicotine delivery systems -ENDS); Thuốc lá nung nóng (Heated tobacco products-HTP) và Nhóm sản phẩm hỗn hợp (hybrid) cũng được coi là một loại thuốc nung nóng.

Trong đó, thuốc lá điện tử có chứa nicotine (Electronic nicotine delivery systems -ENDS) tạo ra khí aerosol người sử dụng sẽ hít vào. Trong dung dịch thuốc lá điện tử thường có các chất tạo mùi và được pha trong chất Propylene Glycol hoặc Glycerin (đóng vai trò dung môi cho nicotine). Ngoài thuốc lá điện tử còn có các hình thức khác như xì gà điện tử (e-cigar), shisha điện tử (e-shishas).

Thuốc lá điện tử không chứa nicotine (Electronic non-nicotine delivery systems -ENDS): ENNDS có cơ chế hoạt động tương tự ENDS, nhưng không chứa nicotine. Tuy nhiên một số mẫu vẫn có nicotine, có thể xếp chung nhóm ENDS.

Đối với thuốc lá nung nóng (Heated tobacco products-HTP). HTPs nung sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định bằng thiết bị làm nóng sử dụng pin. Nhiệt độ này thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá (khoảng 600 °C), ví dụ: iQOS (PMI), Glo (BAT), Ploomtech.

Nhóm sản phẩm hỗn hợp (hybrid) cũng được coi là một loại thuốc nung nóng: có cả sợi thuốc lá và dung dịch nicotine, ví dụ: Li Hybrid, Ploomtech, Glo ifuse.

Các sản phẩm thuốc lá mới này thường xuyên thay đổi thiết kế với gần 20.000 loại hương vị khác nhau. Thuốc lá mới chứa nhiều chất độc giống thuốc lá như: Nicotine; Propylene Glycol; Glycerin thực vật; Kim loại – chì, bạc, Cadmium, Chromium, thủy ngân, Nickel… Đối với các sản phẩm thuốc lá nung nóng dù các sản phẩm này được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Nicotine, Carbon monoxide, Ardodein, Heavy metals… những hóa chất này được xếp vào nhóm gây ung thư.

Một trường hợp bị ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội. (Ảnh: Báo hoa học trò).

Một trường hợp bị ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội. (Ảnh: Báo hoa học trò).

Nói về tác hại của thuốc lá thế hệ mới đến sức khỏe, ThS BS.Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc như thuốc lá truyền thống. Đã có nhiều cảnh báo về tác hại của nicotine, trong đó, nicotine ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não trẻ em và vị thành niên.

“Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng; nicotine thay đổi làm ảnh hưởng xấu tới quá trình các khớp thần kinh được hình thành, các khớp này cần thiết cho bộ nhớ của não; sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ gây nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai…”, ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ.

Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới còn có nhiều nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường: suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn; rối loạn chức năng mạch máu, cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ; làm tổn thương DNA gây tăng nguy cơ ung thư,…

Ngoài ra, các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi, gây nổ gây chấn thương nghiêm trọng ở miệng, mặt, cổ mắt mũi, xương hàm. Tại Mỹ giai đoạn 2015-2017 có 2035 ca cấp cứu do nổ pin thuốc lá điện tử.

Trước thực trạng trên, ThS BS.Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và "nhấn chìm" những kết quả của phòng chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây.

Hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc quản lý rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ. Vì vậy, WHO khuyến nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

Về lâu dài, WHO cho rằng cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ Nghị quyết vào trong luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của Thuốc lá.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.