Được ví như “Thượng phương bảo kiếm” của Đảng trong công cuộc PCTN, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, để khắc phục những hạn chế, khó khăn sau hơn 6 năm thực hiện Quy định 163 và Quyết định 159 của Bộ Chính trị khóa XI, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương, đáp ứng yêu cầu công tác PCTN trong thời gian tới, Bộ Chính trị thống nhất cao cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Việc sửa đổi, bổ sung Quy định 163 và Quyết định 159 nhằm khẳng định và làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, đề cao quyền hạn, trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Ban Chỉ đạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN… Khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta trong việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác PCTN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, đấu tranh PCTN là công việc rất quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp bởi tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, liên quan đến tiền tài, danh vọng của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền. Nhưng một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ...
Để có đủ sức mạnh làm được điều đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và các cơ quan có chức năng PCTN nói riêng nếu chỉ quyết tâm cao chưa đủ mà phải rõ người, rõ việc. Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương cũng là để đáp ứng một phần yêu cầu cấp thiết đó, để tăng cường sức mạnh cho các cơ quan chức năng của Đảng trong công cuộc PCTN đang ở giai đoạn “không dừng, không nghỉ”.