Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL qua facebook, twitter…
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân cho biết, với mục tiêu tổng quát là góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng Dự thảo Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2018 – 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Dự thảo Đề án xác định một số mục tiêu cụ thể là 100% các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có nền tảng chia sẻ, tích hợp kết nối, cập nhật đầy đủ, rộng rãi thông tin về pháp luật, về PBGDPL; phấn đấu 100% các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng cổng/trang thông tin về PBGDPL; nghiên cứu, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu, các sản phẩm nội dung số, phần mềm phục vụ việc triển khai công tác PBGDPL, gia tăng tương tác giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong PBGDPL qua đối thoại trực tuyến và các hình thức phù hợp khác.
Các nhiệm vụ dự kiến bao gồm triển khai xây dựng, vận hành gắn với quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng thông tin điện tử PBGDPL; xây dựng, quản lý, khai thác Trang thông tin PBGDPL tại các bộ, ngành, địa phương để kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin PBGDPL; sản xuất các chương trình, sản phẩm PBGDPL để đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của nhân dân…
Đáng chú ý là đa dạng hóa các hình thức PBGDPL khác thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trên mạng xã hội, điện thoại, các phương tiện phát thanh, truyền hình. Theo đó, tăng cường thực hiện PBGDPL qua facebook, youtube, twitter, fanpage…; xây dựng phần mềm ứng dụng PBGDPL trên điện thoại; khai thác, sử dụng hiệu quả kênh truyền hình pháp luật trực tuyến…
Có “kho” chung về công tác PBGDPL
Đánh giá cao sự cần thiết xây dựng Đề án, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các bộ, ngành, địa phương đều đã có Cổng/Trang thông tin điện tử, cung cấp một phần các thông tin về PBGDPL. Tuy nhiên, tính giáo dục, tuyên truyền còn thiếu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến
ở mức độ 3 và 4 cũng còn hạn chế. Vì vậy, theo vị đại diện này, cần phải có nhiều hoạt động có giá trị gia tăng đối với văn bản quy phạm pháp luật và tán thành có Cổng thông tin điện tử PBGDPL để tích hợp các thông tin liên quan đến PBGDPL. Để bảo đảm hiệu quả Đề án, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị làm rõ đầu mối thông tin của từng bộ, ngành; kết nối, chia sẻ trong bộ và ra ngoài như thế nào; phân biệt chức năng giữa Cổng/Trang thông tin điện tử hiện nay với Cổng thông tin điện tử PBGDPL. Ở các bộ, ngành chỉ nên xây dựng trang thông tin PBGDPL trong Cổng thông tin điện của cơ quan mình và quan trọng là phân định những việc cần làm giữa Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương để “ra” kinh phí hoạt động.
Thực tiễn vừa qua cho thấy các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã từng bước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL như đăng tải công khai các văn bản quy phạm pháp luật; thiết lập chuyên trang, chuyên mục PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử; đối thoại chính sách pháp luật, hỏi đáp, tư vấn pháp luật trực tuyến; thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật hoặc sử dụng mạng xã hội để triển khai công tác PBGDPL…
Với rất nhiều kênh để truyền tải, ứng dụng công nghệ thông tin như vậy và từ kinh nghiệm xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Lê Văn Duyên đề nghị tích hợp các mục, chuyên mục, các trang thông tin PBGDPL của các bộ, ngành, địa phương vào Cổng chung do Bộ Tư pháp quản lý để thành “kho” chung của cả nước. Đồng thời, để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thì đẩy mạnh tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, đối thoại chính sách pháp luật trực tuyến…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh công tác PBGDPL đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên liên tục và việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp PBGDPL đạt hiệu quả hơn. Thứ trưởng yêu cầu phải khảo sát để đánh giá theo từng nội dung như việc xây dựng trang riêng của các bộ, ngành, địa phương hiện nay ra sao trong khi cổng chung chưa có; thực trạng ứng dụng sản phẩm điện tử khi có địa phương cho biết họ rất muốn Trung ương sản xuất tập trung để sử dụng…
Thứ trưởng đồng tình, để tiết kiệm thì các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chỉ cần xây dựng trang thông tin thành phần về PBGDPL nhưng phải nêu rõ tiện ích của Cổng chung sao cho tiến tới mọi người dân, doanh nghiệp nếu có nhu cầu tìm hiểu bất kỳ một vấn đề pháp lý nào đều được đáp ứng, chứ không phải tiếp cận ở dạng “thô” của văn bản. Thứ trưởng cũng cho biết Bộ sẽ làm mẫu, thí điểm việc xây dựng các chương trình PBGDPL đối với một số văn bản để các bộ, ngành, địa phương tham khảo.