Tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phổ biến kiến thức tài chính

BHTGVN đặc biệt chú trọng đến hoạt động phổ biến kiến thức về BHTG
BHTGVN đặc biệt chú trọng đến hoạt động phổ biến kiến thức về BHTG
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, duy trì sự ổn định và niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính của quốc gia. Trong đó, vai trò của tổ chức BHTG trong việc đẩy mạnh phổ biến kiến thức tài chính về BHTG, giúp nâng cao kiến thức của người gửi tiền, qua đó góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng (TCTD) và đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phổ biến kiến thức tài chính hay giáo dục tài chính có thể được hiểu là “quá trình trong đó người tiêu dùng tài chính/nhà đầu tư tăng cường hiểu biết của mình về các sản phẩm tài chính, các khái niệm và rủi ro thông qua việc tiếp nhận thông tin, hướng dẫn và/hoặc tư vấn khách quan nhằm phát triển các kỹ năng, sự tự tin để nhận thức rõ hơn các rủi ro và cơ hội tài chính, đưa ra các quyết định sáng suốt, biết cách tìm kiếm hỗ trợ ở đâu và hành động một cách hiệu quả để cải thiện tình hình tài chính của mình.”

Là một thành viên trong mạng an toàn tài chính, tổ chức BHTG cũng có nhiệm vụ tham gia phổ biến kiến thức tài chính, đặc biệt là kiến thức tài chính về BHTG. Trên thực tế, nhiều hệ thống BHTG trên thế giới đều có mục tiêu, hoạt động cụ thể để thúc đẩy phổ cập kiến thức tài chính cũng như kiến thức về BHTG cho công chúng nhằm bảo vệ người gửi tiền, nâng cao nhận thức của công chúng và đảm bảo hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển an toàn và lành mạnh.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính nhà nước được thành lập vào năm 1999, thực hiện sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD và đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Thực trạng hoạt động phổ biến kiến thức tài chính về BHTG của BHTGVN

Tại Việt Nam, phổ biến kiến thức tài chính là hoạt động được đặc biệt chú trọng, đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trong những năm gần đây. Trong đó, phổ biến kiến thức tài chính về BHTG cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của công chúng và góp phần ổn định hệ thống tài chính.

Trải qua 24 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đã triển khai đa dạng phương thức tuyên truyền và phổ biến kiến thức về BHTG, tiếp cận với nhiều đối tượng công chúng nhằm lan tỏa rộng rãi chính sách BHTG, đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng lớn của người gửi tiền.

Từ năm 2020 đến nay, hoạt động phổ biến kiến thức tài chính của BHTGVN đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Cụ thể, đối với lĩnh vực báo chí, BHTGVN đã đăng tải hơn 1.000 tin/bài viết trên trang web của BHTGVN và xuất bản Bản tin BHTG hàng quý về các thông tin thời sự hoạt động ngành ngân hàng, các chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước có liên quan đến bảo vệ người gửi tiền, các tin bài viết về hoạt động của BHTGVN và các vấn đề cần định hướng, tư vấn cho người gửi tiền. Bên cạnh đó, BHTGVN đã triển khai thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG với các báo, tạp chí có uy tín trong, ngoài ngành ngân hàng.

Đối với lĩnh vực phát thanh truyền hình, BHTGVN đã tổ chức tọa đàm chính sách, phát phóng sự trên các kênh truyền hình như VTV2, Truyền hình Thông tấn, Kênh truyền hình VITV… cũng như thực hiện chuyên mục Tư vấn chính sách trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bên cạnh đó, BHTGVN phối hợp với các cơ quan thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức tài chính về BHTG như phối hợp với Vụ Truyền thông – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng kế hoạch tham gia một số Chương trình truyền thông của ngành ngân hàng; phối hợp với Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam thực hiện sản xuất và phát sóng 08 Talkshow trên kênh VTV2 để phổ biến quy định mới về BHTG; phối hợp với VOV Giao thông thực hiện phát 6 tiểu phẩm, 6 thông điệp; phối hợp với NHNN ghi hình chương trình Tay hòm chìa khóa, phát sóng trên kênh VTV1.

Đối với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức tại chỗ, BHTGVN đã tổ chức nhiều sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG tới đối tượng là cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), NHTM và tổ chức tài chính vi mô; phối hợp tổ chức tuyên truyền chính sách BHTG tại đại hội thành viên, thường niên của các QTDND, Hội Nông dân và tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

BHTGVN đã tổ chức nhiều sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG tới đối tượng là cán bộ QTDND, NHTM và tổ chức tài chính vi mô...

BHTGVN đã tổ chức nhiều sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG tới đối tượng là cán bộ QTDND, NHTM và tổ chức tài chính vi mô...

Bên cạnh những kết quả đạt được, những thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trên thị trường tài chính như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, lãi suất biến động, tác động của dịch bệnh, môi trường tới thị trường tài chính đặt ra yêu cầu mới đối với hoạt động phổ biến kiến thức tài chính về BHTG của BHTGVN.

Thứ nhất, trong bối cảnh người dân dần chuyển sang hình thức thanh toán trực tuyến, giảm bớt thời gian làm việc tại các điểm giao dịch của ngân hàng/QTDND, BHTGVN chưa chú trọng việc phổ biến kiến thức tài chính về BHTG trên các ứng dụng số dùng để thanh toán như ngân hàng số, ví điện tử…

Thứ hai, dân số Việt Nam gần 100 triệu dân và dự kiến đạt 100 triệu dân trong năm 2023. Với dân số lớn như vậy, các hoạt động phổ biến kiến thức tài chính về BHTG của BHTGVN cần có những thay đổi về quy mô truyền thông. Các chương trình hay chiến lược truyền thông cần được thiết kế với phạm vi, quy mô lớn hơn, mức độ bao phủ rộng hơn, có sự tham gia của NHNN, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ ba, về đối tượng, nên tập trung hơn vào đối tượng học sinh phổ thông, sinh viên và nhóm người dễ chịu tổn thương trong xã hội. Học sinh, sinh viên là đối tượng sẽ tham gia rất nhiều vào hoạt động tài chính trong tương lai. Nhóm người dễ chịu tổn thương trong xã hội thường có nhiều khó khăn trong cuộc sống và thiếu kiến thức về tài chính.

Thứ tư, hoạt động phổ biến kiến thức tài chính chưa được xem là nhiệm vụ trọng tâm của BHTGVN dẫn đến nguồn kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hoạt động phổ biến kiến thức tài chính về BHTG là hoạt động quan trọng của tổ chức.

Nâng cao kiến thức, củng cố niềm tin cho công chúng

Trong thời gian tới, để hoạt động phổ biến kiến thức tài chính về BHTG của BHTGVN phát huy tối đa hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng, một số thay đổi nên được triển khai như sau:

Xây dựng cơ chế và làm việc với các NHTM, các ứng dụng thanh toán điện tử để thiết kế và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức tài chính về BHTG trên các ứng dụng này.

Học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức BHTG trên thế giới và tư vấn từ các cơ quan truyền thông để xây dựng chiến lược truyền thông tổng thể, toàn diện và phù hợp với từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần thiết kế các chương trình phổ biến kiến thức tài chính về BHTG bài bản, có tính mới lạ, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của công chúng phù hợp với chiến lược truyền thông tổng thể.

Thiết kế các chương trình phổ biến kiến thức tài chính nói chung và về BHTG nói riêng tập trung nhiều hơn đến đối tượng là học sinh, sinh viên, nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Trong đó, có thể soạn thảo các cẩm nang, hướng dẫn về hiểu biết trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng như phối hợp với các trường đại học, trung học phổ thông tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức tài chính cho đối tượng này.

Xác định rõ tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền và phổ biến kiến thức tài chính về BHTG, tăng cường nguồn kinh phí cho hoạt động này phù hợp với các nhiệm vụ cần thực hiện và nguồn vốn của BHTGVN.

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…